Dư luận bức xúc những vụ như Trịnh Xuân Thanh, Nhật Cường đối tượng sao trốn đi được?
Nhưng có nhiều trường hợp không cần thiết thì lại bị tạm xuất nhập cảnh. Đáng tiếc họ chỉ biết khi ra đến sân bay…
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) |
Đây là ý kiến của các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam chiều 28/5.
ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật cần và nên nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi xuất nhập cảnh ra nước ngoài. Họ không chỉ phải tuân thủ luật pháp nước sở tại mà còn phải gìn giữ văn hóa, bản sắc người Việt Nam. Có trách nhiệm tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. Không phải cứ đi ra nước ngoài muốn mặc quần soóc, quần đùi tùy ý, khạc nhổ… làm hoen ố hình ảnh con người Việt Nam.
“Trường hợp vừa qua như Đoàn Thị Hương (bị tòa án Malaysia tuyên án 3 năm 4 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích bằng hung khí hoặc cách thức nguy hiểm, song được xét giảm án trước thời hạn – PV) khi trở về Việt Nam, đã có hành vi ứng xử như một “ngôi sao” thì trách nhiệm của công dân này ra sao? Phải xử lý như thế nào?”, đại biểu Hưng đặt câu hỏi.
Do đó, theo đại biểu Hưng, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh phải làm rõ vấn đề này; đồng thời phải nêu ra trách nhiệm, quyền hạn đầy đủ của các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng... Đại biểu Hưng đặt vấn đề, ngoài trường hợp Đoàn Thị Hương, các cơ quan này đã bảo hộ được quyền lợi nhiều công dân Việt Nam khác hay chưa?
Trong khi đó, cho ý kiến về khoản 1, điều 28 với trường hợp tạm hoãn xuất cảnh khi có đơn tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần cân nhắc.
Bởi theo ông Nghĩa, "có trường hợp làm ăn mâu thuẫn với nhau, tôi biết ông đó sắp đi nước ngoài ký hợp đồng, tôi gửi đơn tố giác. Nhưng cơ quan “lãnh đủ” trách nhiệm nếu xét đơn tố giác không thận trọng và tạm hoãn xuất cảnh người bị tố giác. Sau này khi biết sự tố giác đó là sai, nhưng người bị tố giác đã mất đi cơ hội làm ăn, người ta có quyền kiện trở lại. Do đó, ông Nghĩa cho rằng nên quy định rõ “người có nghĩa vụ đã và đang vi phạm nghĩa vụ ấy sẽ tạm hoãn xuất nhập cảnh” thì chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, đại biểu Nghĩa cũng nhấn mạnh, “đây là quyền hiến định của công dân” nên người bị tạm hoãn xuất cảnh có quyền khởi kiện hành chính với quyết định này. Bởi vì một số quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh thực chất là vấn đề hành chính, thì UBND, Cục thuế, Cục hải quan có thể bị khởi kiện nếu ra quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với một ai đó sai.
“Người bị tạm hoãn xuất nhập cảnh trái pháp luật mà bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đề nghị đưa cái này vào để những người thực thi công vụ đọc luật này cảm thấy có trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân nhất là đối với những công dân rơi vào tình cảnh bị tạm hoãn xuất nhập cảnh.
Bởi vì có những trường hợp đáng lẽ phải bắt ngay chúng ta không bắt được, và họ chạy trốn ra nước ngoài đến nay chưa bắt được. Nhưng có nhiều trường hợp chúng tôi biết (doanh nghiệp) không cần thiết. Có những trường hợp mình làm không đúng… họ cũng chỉ biết khi ra đến sân bay”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. |
Chung mối quan tâm này, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương cũng cho biết: "Có một số nội dung tôi thấy mai kia cần phải điều chỉnh lại. Người mất năng lực hành vi dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định phải có đại diện hợp pháp đi cùng. Cái này phải làm rõ, bởi trẻ em thường đi với người lớn, quy định trong hộ chiếu đó có trẻ em không, cái đó phải có. Nếu không không cẩn thận quy định này sẽ lợi dụng để buôn bán người, đưa trẻ em ra nước ngoài bất hợp pháp, cái này sẽ rất khó kiểm soát. Thực tiễn đã có xảy ra chuyện đó”.
Phân tích thêm về các trường hợp bị cấm xuất cảnh tại Điều 28, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng, ủy viên thường trực UB Tư pháp) dẫn quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh tại điều 28 cho biết: Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên theo ông Hiển, điều 28 lại thiếu ở chỗ, nếu chiếu theo luật Tố tụng hình sự thì có quy định người bị buộc tội bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, trong khi dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh không thấy có người bị bắt, bị tạm giữ.
Ngoài ra, vừa qua dư luận rất bức xúc với nhiều trường hợp đáng ra cấm xuất cảnh nhưng lại để bị can bỏ trốn mất. "Ví dụ có những vụ án như Trịnh Xuân Thanh, Nhật Cường Mobile thì rõ ràng họ chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác, vụ việc rất nghiêm trọng như thế thì họ vẫn xuất cảnh, trốn đi được", ĐB tỉnh Lâm Đồng dẫn chứng. Do đó ông Hiển nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, luật này phải xử lý được những trường hợp mà dư luận rất quan tâm nói trên".
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh từng trốn ra nước ngoài, sau đó về đầu thú. |
"Trong luật chúng ta cũng cần có cách đưa ra những trường hợp này như trường hợp đặc biệt. Tôi cho rằng, cơ quan thẩm quyền trong tình huống cụ thể cần xem xét biện pháp hạn chế xuất cảnh", ĐB tỉnh Lâm Đồng đề nghị.