Dự án TQ trên đèo Hải Vân: Khu vực khống chế vùng vịnh Đà Nẵng
Theo ông Phạm Trường Dân, khu vực cấp phép xây dựng tại đèo Hải Vân khống chế toàn bộ vùng vịnh Đà Nẵng. |
“Chỉ có tầm nhìn của các nhà quân sự, công an, những người trực tiếp làm quốc phòng an ninh mới nhìn rõ vị trí quan trọng của khu vực đèo Hải Vân, nơi được cấp phép đầu tư xây dựng” – ông Phạm Trường Dân.
Ông đánh giá thế nào về vị trí mà tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư xây dựng khu nghĩ dưỡng ở đèo Hải Vân đối với vấn đề quốc phòng an ninh?
Tôi là người Quảng Nam, tôi biết khu vực đó khá rõ. Đó là khu vưc quan trọng, nó khống chế toàn bộ vùng vịnh Đà Nẵng. Khi xảy ra chiến tranh phía Pháp, Mỹ đều đổ bộ vào Việt Nam từ đây. Vậy nếu cho nước ngoài đầu tư thì việc quản lý như thế nào? Hay có sự cố liên quan đến quốc phòng an ninh thì xử lý ra sao?...
Chỉ có tầm nhìn của các nhà quân sự, công an, những người trực tiếp làm quốc phòng an ninh mới nhìn rõ vị trí quan trọng của khu vực này.
Ông nhìn nhận như thế nào, nếu khu đất vẫn đang có sự tranh chấp, nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép đầu tư xây dựng cho một nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc?
Nếu khu vực đó còn đang tranh chấp mà Thừa Thiên Huế đã quyết định như vậy là chưa thoả đáng. Việc này tôi thấy các đại biểu Quốc hội, Tư lệnh quân khu 5 đã có ý kiến, tuy nhiên vẫn cần có ý kiến chính thức của Bộ Quốc phòng, Công an, vì phát triển kinh tế phải đi liền với quốc phòng an ninh.
Việc cấp phép cho nước ngoài đầu tư xây dựng ở đó, tôi cũng không thống nhất vì đó là vùng đang tranh chấp, và nó khống chế vùng vịnh Đà Nẵng.
ĐBQH - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân |
Khi cấp phép dự án, phía Thừa Thiên Huế cho rằng khu đất đó thuộc về Thừa Thiên Huế còn TP Đà Nẵng thì nói rằng đó là khu vực chưa phân định thuộc về tỉnh thành nào. Vậy theo ông việc này sẽ xử lý thế nào?
Chính vì đang còn nhiều ý kiến, còn tranh chấp nên mới cần trọng tài để phân xử. Trọng tài ở đây là Chính phủ, sẽ căn cứ vào quy định trong Luật đất đai và quy định của Chính phủ để xác định vùng đất đó thuộc địa phương nào.
Khi có quyết định rồi, nhưng vì vị trí liên quan đến quốc phòng an ninh, nên như tôi nói, phải có ý kiến của Bộ quốc phòng, Công an. Nếu Bộ Quốc phòng, Công an không cho xây dựng thì sẽ không được làm vì lợi ích quốc gia.
Xét ở cả góc độ kinh tế lẫn quốc phòng an ninh, theo ông có nên cho thực hiện dự án hay dừng lại?
Nếu xét ở góc độ kinh tế phát triển tốt, quốc phòng cũng quan trọng thì phải đặt vấn đề quốc phòng an ninh lên trên hết.
Được biết dự án này đã được cấp phép từ năm 2013, đến nay nhà đầu tư đã triển khai một số dự án xung quanh, như làm đường ở khu vực đó. Trường hợp nếu rút giấy phép đầu tư, thì địa phương có phải bồi thường và xem xét trách nhiệm?
Nếu đã cấp phép từ năm 2013, nay dừng lại thì về nguyên tắc phải bồi thường nếu họ đã đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng ban đầu.
Khi thu hồi phải xử lý quy trách nhiệm cụ thể, xem ai là người có trách nhiệm. Người làm sai phải chịu trách nhiệm đền bù, chứ không được dùng ngân sách quốc gia để đền bù.
Trước đây đã xảy ra tình trạng cho nước ngoài thuê đất ở những vùng trọng yếu? Phải chăng câu chuyện cho nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại vị trí này cũng sẽ lập lại kịch bản tương tự?
Ở tỉnh Quảng Nam trướ kia cũng có tình trạng này và đã phát hiện ra, sau đó đã báo cáo lên trung ương cho dừng lại.
Rút kinh nghiệm từ đó, theo tôi sự việc này cần xử lý mạnh để làm gương. Còn cụ thể ra sao thì tùy theo tính chất vụ việc để Chính phủ, trung ương quy trách nhiệm.
Xin cảm ơn ông!