Dự án thoát nước 6.000 tỷ đã “cứu” nội đô Hà Nội trong trận mưa 25/5?
- Thưa ông, tiến độ dự án thoát nước giai đoạn 2 đến nay đang được triển khai như thế nào?
Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội: Đối với dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường - dự án 2, chúng tôi đang được giao nhiệm vụ thực hiện, đến nay tổng khối lượng công việc đã hoàn thành 95%.
Các nội dung chính của dự án gồm: nâng cấp, cải tạo trạm bơm đầu mối Yên Sở, nâng công suất lên 90m3/s. Chúng tôi đã hoàn thành xong.
Việc thứ hai là cải tạo 13 hồ điều hòa trong nội thành và 12 trạm bơm nước cũng đã hoàn thành. Hiện một số hồ đang hoàn thiện nốt như hồ Định Công, Khương Trung I đang được hoàn thiện gấp rút.
Hệ thống cải tạo kênh mương trong nội thành với chiều dài toàn tuyến khoảng 25km thuộc lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, Sét, Lư… tương đương 30 kênh mương cũng đã hoàn thành trên 25 tuyến. Tiếp theo là các đường dọc sông công vụ: sông Tô Lịch, Lừ, Sét … cũng đang trong giai đoạn hoàn thành.
Việc cải tạo xây dựng, đặc biệt nhất trong này có 52 tuyến cống nội đô, nội thành với chiều dài 26km đã giải quyết cho công tác chống ngập úng của thành phố. 52 tuyến này đã kịp được vào sử dụng chống ngập mùa mưa.
Một hạng mục rất mới là xây dựng trạm nước thải hồ Bảy Mẫu với công suất 13.300m3/ngày đêm cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Vừa qua chúng tôi cũng đã mua sắm bổ sung một loạt thiết bị phục vụ mùa mưa: máy bơm, xe hút bùn, xe hút hỗn hợp. Đây là xe rất mới lần đầu tiên có ở Hà Nội, vừa hút vừa bơm được.
Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội trao đổi với phóng viên Infonet. (Ảnh: Tuấn Minh) |
- Theo tiến độ thành phố yêu cầu tháng 6 này dự án thoát nước phải hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Liệu dự án có hoàn thành đúng kế hoạch?
Đối với dự án thoát nước giai đoạn 2 đến thời hạn 30/6/2016 sẽ phải kết thúc. Để phấn đấu tới thời điểm đó phải hoàn thành, chúng tôi đang rất nỗ lực, đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu phải quyết liệt, khẩn trương hoàn thiện nốt các công trình trong giai đoạn nước rút này.
Tuy nhiên, có một số khó khăn trong công tác nhận mặt bằng trong giải phóng mặt bằng. Đến nay một số quận huyện chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án.
Đối với phần chưa giải phóng mặt bằng, chúng tôi đã báo cáo thành phố, Sở Xây dựng sẽ khoanh vùng lại và bàn giao cho các quận, huyện để triển khai nốt các phần còn lại để đảm bảo đồng bộ cho dự án.
- Cuối tháng 6 này dự án thoát nước sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, ông đánh giá thế nào về khả năng chống ngập cho thành phố?
Tính đến thời điểm hiện nay về cơ bản các hạng mục của dự án hoàn thành đã được đưa vào hệ thống thoát nước chung của thành phố từ năm 2014 đến nay và có thể đơn cử rõ nhất, trận mưa ngày 25/5 vừa qua.
So sánh với trận mưa lớn nhất của Hà Nội từ trước đến nay, năm 2008, trong thời gian rất lâu mới rút được nước nhưng nay với lượng mưa chỉ thấp hơn, nhỏ hơn không đáng kể, trên 200mml/ngày đêm, bây giờ thời gian rút trong nội đô chỉ còn hơn 4 tiếng. Đặc biệt, hệ thống 52 cống hộp đã được vận hành rất tốt và đã giúp cho các quận, huyện nội đô rút nước rất nhanh chỉ trong một vài giờ.
Thêm vào đó các hệ thống cải tạo kênh mương cũng được đưa vào vận hành, đặc biệt những đoạn đang thi công dang dở nhưng khi mưa xuống, chúng tôi sẵn sàng phá bờ để đảm bảo tiêu thoát nước. Việc này hoạt động rất tốt cho thấy ngay hiệu quả chính trong trận mưa ngày 25/5 vừa qua.
Tuy nhiên, còn một số vị trí thi công đang dang dở do đó có ảnh hưởng nhất định. Hiệu quả của dự án sẽ tốt hơn nữa khi dự án được hoàn thành đồng bộ, chỉnh trang thống nhất cũng như có sự liên kết giữa các tuyến mương, cống đổ ra sông. Khi đã thống nhất nhau thành một mạng lưới, tôi tin hiệu quả thoát nước trong nội đô của dự án trong phạm vi sẽ đảm bảo hiệu quả rất cao.
- Ông cho rằng, dự án thoát nước do các ông thực hiện đã giúp nội đô Hà Nội thoát nước nhanh hơn. Vậy ông nói sao về việc hàng loạt tuyến phố của Thủ đô vẫn chìm sâu trong nước ngày 25/5 vừa qua?
Dự án thoát nước giai đoạn hai, phạm vi nghiên cứu của dự án đây là dự án bám sát theo quy hoạch thoát nước từ năm 1995 do JICA lập và tầm nhìn 2010. Đến nay chúng tôi vẫn bám sát quy hoạch cũ đó.
Việc cập nhật quy hoạch khi Hà Nội sáp nhập năm 2008 đã có một quy hoạch thoát nước tầm nhìn 2020-2030. Tuy nhiên, trong nghiên cứu quy hoạch chúng tôi thực hiện theo quy hoạch cũ và tập trung vào 8 quận, huyện nội đô: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Trì, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Tập trung vào việc cải thiện các hồ hiện trạng, cải tạo các tuyến mương, tuyến cống và nâng cấp một số trạm xử lý nước.
Về góc độ chúng tôi đang được giao quản lý và nghiên cứu nâng cấp hệ thống thoát nước, trong phạm vi xử lý nước trong trận mưa vừa qua rút rất nhanh và hiệu quả đã thấy rõ. Các chuyên gia về thoát nước và quản lý đô thị nhìn thấy rõ hiệu quả của dự án thoát nước.
Chúng tôi có nắm được một số thông tin liên quan đến trận mưa vừa qua có một số điểm úng ngập, nhưng đại đa số các điểm này nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của dự án. Đặc biệt, các điểm: Phạm Hùng, Nguyễn Xiển hay khu vực phía tây Hà Nội có những khu đô thị ở Hà Đông vẫn ngập sau một ngày và người dân phải bắc cầu đi bộ qua những đoạn ngập. Xin thưa, những đoạn ngập này ngoài phạm vi dự án của chúng tôi.
Đối với khu vực phía Tây Hà Nội cũng như khu vực thoát nước sông Nhuệ, trước đây khu vực này thuộc Hà Tây cũ là khu vực thoát nước phục vụ nông nghiệp. Thoát nước nông nghiệp thường họ đưa ra chu trình thường 2-3 ngày bởi vì đại đa số là đồng ruộng ngập 1-2 ngày không ảnh hưởng nặng.
Hai là các khu đô thị mọc lên rất nhanh, tốc độ đô thị hóa mọc lên rất lớn, rất nhiều nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm để khớp nối đồng bộ, toàn bộ, chưa được đầu tư để đảm bảo thoát nước cũng như lưu lượng thoát nước của từng đó con người trong khu đô thị xả ra.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Còn nữa....