Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn đến năm 2020
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ban Thường vụ tỉnh uỷ Đồng Tháp đã đưa ra những mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh nhà đi lên trên tất cả các lĩnh vực, thông qua nhiệm vụ Nghị quyết đại hội X Đảng bộ tỉnh bên cạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng thì nhiệm vụ phát triển kinh tế trên toán được được chú trọng.
Tại hội nghị ban chấp hành Đảng bộ lần thứ 5 diễn ra vào tháng 10/2016 vừa qua, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp quán triệt các nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, 6 kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; định hướng phát triển kinh tế - xã hội biên giới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; điều chỉnh, sắp xếp bộ máy của một số đơn vị sự nghiệp công lập; thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển địa phương giai đoạn 2016 - 2020; đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi năm sẽ có thêm 350 doanh nghiệp mới thành lập. |
Về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, Đồng Tháp sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện hoàn chỉnh các trục giao thông đối ngoại của tỉnh. Trong đó, sớm hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối 2 cầu, nâng cấp các cầu yếu trên QL80, nâng cấp mở rộng QL54, QL30, sớm đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Việc thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển địa phương, tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để tạo bước đột phá trong phát triển thương mại, du lịch; đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm nông nghiệp (xoài, lúa, cá, vịt, hoa kiểng). Hay việc tiếp tục lãnh đạo đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 1.000 người đi lao động ở nước ngoài và trong giai đoạn 2017 - 2020 đưa ít nhất 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan yêu cầu các ngành, địa phương cụ thể hóa, triển khai thực hiện các kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp còn đề nghị các cấp, ngành phối hợp với 2 tỉnh Tiền Giang, Long An hoàn chỉnh Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười” ứng phó thích hợp với biến đổi khí hậu; chuẩn bị chu đáo các hoạt động của “Tuần lễ du lịch Đồng Tháp - 2017” tại TP.Sa Đéc. Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 gắn với đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm của tỉnh ở các ngành, địa phương.
Mỗi năm phấn đấu có thêm 350 doanh nghiệp
Để hiện thực hoá nhiệm vụ đưa kinh tế tỉnh Đồng Tháp phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) đã có Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Theo đó, chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm phát triển thêm khoảng 320 - 350 DN. Đến năm 2020, có khoảng 4.000 DN nhỏ và vừa hoạt động trong nền kinh tế. Bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 30.000 - 40.000 việc làm mới. Đến năm 2020, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa khoảng 2.000 lượt người về kỹ năng quản lý, quản trị điều hành và khởi sự DN. DN nhỏ và vừa là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng, đã và đang góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Định hướng duy trì, phát triển DN nhỏ và vừa, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư, phát triển; tăng tỷ trọng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Tập trung, định hướng ưu tiên phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp nhằm phát huy lợi thế của các DN theo hướng hình thành các mô hình tổ chức sản xuất; định hướng hình thành các ngành hàng hoặc chuỗi ngành hàng chủ lực theo mục tiêu các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh.
Các giải pháp chủ yếu để phát triển DN nhỏ và vừa được nêu ra như: Đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của DN nhỏ và vừa; xây dựng Nhà nước kiến tạo để DN nhỏ và vừa phát triển. Phát triển đội ngũ doanh nhân; xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể trong DN; củng cố, mở rộng và phát triển hệ thống DN nhỏ và vừa phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giải pháp về cơ chế, chính sách cũng như trợ giúp DN nhỏ và vừa phát huy nội lực.