Đồng lương giáo viên lâu năm: "Cả gia đình không bao giờ đi du lịch"
LTS: Hướng tới đề án chính sách cải cách tiền lương từ năm 2021, nhóm PV Infonet đã gặp nhiều đối tượng công chức, viên chức ở các địa bàn khác nhau để tìm hiểu về thực trạng mức lương mà họ đang nhận có đáp ứng cơ bản các nhu cầu cuộc sống hay không. |
Thầy Vũ Hoàng Sơn và các học trò |
Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, hiện nay, lương của giáo viên đang được cào bằng, chưa có sự phân hóa rõ rệt giữa quá trình đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng dẫn đến sự bất hợp lý trong quá trình tuyển dụng và xếp bậc lương.
Ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên phải tham gia các hoạt động của nhà trường như tập văn nghệ, tham gia các hội thi do công đoàn trường, công đoàn ngành tổ chức, tập dượt cho học sinh tham gia các hội thi do Đội TNTP tổ chức, …
Mỗi năm một giáo viên phải dự giờ đồng nghiệp cho đủ 18 tiết, dự thao giảng trường, thao giảng khối, viết sáng kiến kinh nghiệm cho bản thân. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải làm hàng loạt sổ sách như sổ hội họp, sổ chủ nhiệm, sổ mượn đồ dùng dạy học, vào điểm trên cổng thông tin điện tử, nhận xét để gửi tin nhắn về cho phụ huynh vào mỗi cuối tuần,…
Không dừng lại ở đó, những cuộc họp đối với các giáo viên mới là “ám ảnh”, kéo dài suốt năm như họp tổ, họp hội đồng, họp chấm thi, họp kiểm tra giữa kỳ...
Thầy Sơn chia sẻ: “Để trang trải cuộc sống, đảm bảo cuộc sống ổn định cho bản thân và gia đình, bản thân tôi cũng làm đủ các ngành nghề: trang trí lớp, nhận làm đồ dùng dạy học, thiết kế giáo án, dạy kèm,…
Khi về đến nhà, bản thân tôi cũng phải còn lo cho gia đình, lo việc học hành của các con. Chính vì làm quá nhiều công việc như vậy nên việc đầu tư cho công tác giảng dạy cũng có phần hạn chế, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giảng dạy”.
Thầy Sơn cho biết, bản thân tốt nghiệp sau đại học nhưng vẫn không được tính lương tương xứng với bằng cấp hiện có do quy định của thang bảng lương hiện nay.
Bởi theo thông tư số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 3/11/2015, thì mức lương và cách tính lương giáo viên tiểu học được quy định như hiện nay không có ngạch dành cho giáo viên đã tốt nghiệp sau đại học.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chỉ có: Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.07; Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số: V.07.03.08; Giáo viên tiểu học hạng IV - Mã số: V.07.03.09.
Mức lương hiện nay của thầy Sơn được tính như sau: hệ số lương: 3,99 nhân với 1.390.000 đồng. Ngoài ra được thêm các khoản phụ cấp 35%, phụ cấp thâm niên nên tổng thu nhập được hơn 7 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản về BHYT, BHXH, BHTN, tiền công đoàn phí, tiền đóng góp các phong trào, … lương thực lãnh chỉ còn khoản hơn 6,5 triệu đồng.
Vợ chồng thầy có 2 con nhỏ đang học lớp 2 và lớp 9. Ngoài việc học ở trường, các bé cũng đi học thêm, mua quần áo, sách vở,… chi phí mỗi tháng khoảng 3 triệu. Gia đình thầy đóng tiền điện, tiền nước, internet,… hơn 1 triệu. Sau khi trừ tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình và bản thân thì lương của thầy còn dư khoảng hơn 1 triệu đồng.
Thầy Sơn cho biết, vì tính chất công việc đặc thù nên cả gia đình không bao giờ đi du lịch, ngoại trừ tham quan hè do nhà trường tổ chức nhưng thầy cũng phải hết sức đắn đo vì nhà trường chỉ chi trả khoảng 30 – 40% còn lại là giáo viên phải đóng. Nếu dẫn theo 2 con là đã hết 1 tháng lương.
Chia sẻ về mức thu nhập mong muốn, thầy Sơn tâm sự: “Ai cũng mong muốn có một mức lương cao 30 triệu đến 40 triệu đồng một tháng để có thể trang trải các chi tiêu trong gia đình. Bản thân tôi chỉ mong có những chế độ đãi ngộ dành riêng cho giáo viên như giảm tiền điện, tiền nước, xăng, … Con em giáo viên đi học được miễn giảm hoàn toàn các khoản học phí, phụ phí. Giáo viên được mua nhà với mức giá ưu đãi nhằm tạo sự ổn định về nhà cửa…”
Bác sĩ Nguyễn Đức Toàn |
Còn với lương một bác sĩ mới ra trường thì sao? Bác sĩ Nguyễn Đức Toàn, mới tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đi làm được 2 năm tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM) cho biết, thu nhập của bác sĩ mới ra trường như Toàn bao gồm lương hệ số 2,34 và phụ cấp bệnh viện. Mỗi tháng, thu nhập của Toàn khoảng gần 6 triệu đồng.
Với mức lương này, BS Toàn chia sẻ, anh sống khá tốt do còn độc thân và ở cùng cha mẹ. Hiện BS Toàn không phải trả các khoản như tiền nhà hay tiền ăn. Vì thế, với thu nhập này, ngoài chi trả các khoản cho cá nhân, Toàn vẫn tiết kiệm được để mỗi năm có thể đi du lịch 1-2 lần.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Toàn, nếu có gia đình và thu nhập chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/tháng thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu không làm thêm.