Đội tàu đánh cá của TQ 'dính' bão lớn ở Trường Sa
Đội tàu đánh cá của TQ 'dính' bão lớn ở Trường Sa
>> 30 tàu cá Trung Quốc chính thức xâm phạm Trường Sa
>> Đội tàu cá TQ chuyển vùng đánh bắt
>> Trung Quốc âm mưu biến ngư dân thành chiến binh
>> Biên phòng Nga nổ súng bắt tàu cá TQ
Đội tàu gồm 30 chiếc được hộ tống bởi 1 tàu Ngư Chính của Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. (ảnh: THX) |
Trước đó (ngày 17/7), trong khi đang đánh bắt quanh khu vực bãi đá Chữ Thập (thuộc Trường Sa, Việt Nam) đội tàu này gặp thời tiết xấu đã di chuyển về bãi Subi cũng thuộc khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Đến ngày 20/7, đội tàu này gặp bão lớn nên đã buộc phải rút lui thêm khoảng 200 hải lý nữa về bãi san hô Meiji để trú ẩn.
Đội tàu gồm 30 chiếc của Trung Quốc được hộ tống bởi một tàu hậu cần với tải trọng 3.000 tấn chở theo nước ngọt, dầu máy và các loại thực phẩm tiếp tế khác đã phải mất khoảng 30 giờ đồng hồ mới đến được khu vực trú ẩn.
Phóng viên của Tân Hoa Xã cho biết, sóng lớn, mưa to đã quét sạch rất nhiều đồ dùng trên các tàu của Trung Quốc như cốc chén, bát đĩa, thực phẩm, máy tính… “Đã có những lúc con tàu tiếp tế 3.000 tấn bị nghiêng tới 20 độ. Đây là trường hợp rất nguy hiểm”, thuyền phó của con tàu cho biết.
Đội tàu này hiện đang trú ẩn trong một vịnh nhỏ thuộc bãi Meiji và theo lời viên thuyền phó của tàu tiếp tế, các hoạt động thăm dò nguồn lợi hải sản và đánh bắt sẽ được nối lại ngay khi thời tiết xấu chấm dứt.
Đội tàu hiện đang vi phạm chủ quyền Việt Nam đã xuất phát từ đảo Hải Nam từ chiều ngày 15/7 gồm có một tàu tiếp tế nặng 3.000 tấn và 29 tàu nặng hơn 140 tấn dự kiến sẽ đánh bắt cá trong khu vực quanh quần đảo Trường Sa từ 5-10 ngày. Trung Quốc còn cử thêm tàu tuần tra ngư nghiệp Ngư Chính 310 đi cùng để bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá.
Ngày 13/7, đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
"Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế," vị đại diện này nói.
Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức thông qua quyết định thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam của nước này. Đáng chú ý, “cái gọi là” thành phố Tam Sa ấy bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động cử đội 30 tàu đánh cá này của chính quyền Trung Quốc được coi là một trong những hành động “ngầm tuyên bố” và hợp thức hóa cái gọi là phạm vi thuộc quyền quản lý của thành phố Tam Sa đó bất chấp sự phản đối mạnh mẽ và bác bỏ sự sai trái ngang ngược này từ phía chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam.
Chính quyền Hải Nam – Trung Quốc còn cho biết, sau đội tàu 30 chiếc này, các hoạt động đánh bắt sẽ được chuyển dần từ gần bờ sang đánh bắt xa bờ. Ngư dân Trung Quốc hiện đang được khuyến khích “đóng thêm tàu lớn và khai thác ở các vùng biển nước sâu”, một quan chức thuộc ngành ngư nghiệp của Hải Nam nói.
T.D.P