Đôi điều suy nghĩ về ứng xử với nhân dân
"Biệt phủ" của một lãnh đạo cấp Sở. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). (Ảnh: dantri.com.vn) |
Bất kỳ ai cũng được giáo dục ngay từ trong gia đình, từ những ngày đầu cắp sách đến trường cho đến khi trưởng thành về những chuẩn mực văn hóa, đạo đức, tác phong để có thái độ ứng xử phù hợp trong giao tiếp. Trong đó, có sự khác biệt nhỏ do yếu tố văn hóa, phong tục, vùng miền, nhưng nguyên tắc chung nhất mà mọi người phải tuân thủ là sự tôn trọng đối với người khác.
Đạo đức truyền thống dạy rằng “Yêu trẻ, trẻ đến nhà/Kính già, già để tuổi cho”; “Lời nói chả mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; rồi “Điều gì mình không muốn thì cũng đừng gây cho người khác”; hay “Yêu em anh để trong lòng/Việc công anh cứ phép công anh làm”. Do đó, nhìn vào cách ứng xử người ta có thể đánh giá được mức độ “có giáo dục”, “phông văn hóa” của mỗi người. Thực tế có những người có trình độ học vấn thấp nhưng được đánh giá cao và ngược lại.
Ngoài những chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng, cán bộ, đảng viên có chức quyền còn đại diện cho cơ quan, tổ chức của mình khi giao tiếp với quần chúng nhân dân, với báo chí, với xã hội ở các mức độ khác nhau. Vấn đề đáng quan tâm và lo ngại hiện nay, đó là biểu hiện hách dịch, cửa quyền, coi thường nhân dân, thậm chí coi thường trật tự kỷ cương của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền, gây bức xúc cho xã hội. Những hành vi đó được thể hiện công khai, không thèm che giấu như: xây dựng dinh cơ đồ sộ, khoe khoang sự giàu có trong khi thu nhập hợp pháp không cao, đời sống nhân dân xung quanh còn khó khăn, thậm chí có nơi còn đói nghèo; thách thức người dân khi họ phản ứng hành vi không đúng mực của mình ở cơ quan cũng như nơi công cộng; đổ lỗi, che giấu sai phạm; trả lời báo chí hay nhân dân vòng vo, né tránh, thậm chí sai sự thật…
Những biểu hiện đó cho thấy thái độ không đúng mực, sự non yếu về kỹ năng giao tiếp với nhân dân và dư luận xã hội. Sâu xa hơn, nó phản ánh tư cách đạo đức, trình độ của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Thực hành cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Gương mẫu về mọi mặt: đoàn kết, công tác, học tập, hoạt động. Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”...Xuất phát từ những quan niệm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện bảo đảm quyền dân chủ của người dân. Bác đã chỉ rõ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, dân là chủ và dân làm chủ bởi lẽ đơn giản là con người không ai không cần đến những nhu cầu vật chất, từ những nhu cầu thiết yếu thiết thực của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc, được học hành… Vì thế, người dân cần phải thấy vị thế làm chủ của mình, thấy được giá trị độc lập tự do khi có cơm ăn, áo mặc, được học hành tới trường. Vì thế “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Chúng ta cần phải quan tâm đến lợi ích của Nhân dân và điều ấy phải thiết thực, cụ thể, mang lợi ích cho dân, chứ không thể nói chung chung được. Vì Nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực, lợi ích gần, lợi ích xa, lợi ích riêng, lợi ích chung, lợi ích bộ phận, lợi ích toàn cục... Quan điểm lợi ích đều vì dân của Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta phát triển, cụ thể hóa trong Hiến pháp và các quan điểm “lấy dân làm gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hay lấy “con người là mục tiêu và động lực chính của sự phát triển kinh tế - xã hội”, thực hiện một “chiến lược vì dân và do dân”.
Giải quyết thấu đáo vấn đề trên cần nhiều giải pháp, trong đó giải pháp giáo dục, đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ các cấp vì dân, ứng xử có văn hóa với nhân dân theo đúng chuẩn mực và minh bạch, không hình thức, vẫn là căn cơ nhất. Ngạn ngữ Anh có câu “Tri thức làm người ta khiêm tốn, ngu si làm người ta kiêu ngạo”. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi, vì sao không ít cán bộ, đảng viên hầu hết có trình độ học vấn từ đại học trở lên, được đào tạo, bồi dưỡng nhiều kiến thức về các lĩnh vực, về các kỹ năng quản lý, giao tiếp… lại có thái độ ứng xử vô nguyên tắc như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua? Điều gì đã khiến họ quên đi những chuẩn mực sống, chuẩn mực ứng xử tối thiểu, quên đi những nguyên tắc xử sự ở cơ quan và nơi công cộng? Vấn đề đặt ra, có cần thay đổi phương pháp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ, đảng viên?
Vấn đề thứ hai, chính là công tác kiểm tra, giám sát trong mỗi cơ quan đơn vị đối với cán bộ, đảng viên của mình. Nếu công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm, chắc chắn sẽ ngăn chặn được biểu hiện tiêu cực, thoái hóa biến chất ngay từ trong “trứng nước”.
Một vấn đề khác, chính là việc thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân nhiều hơn nữa..../.