Doanh nghiệp phớt lờ an toàn lao động
Doanh nghiệp phớt lờ an toàn lao động
Đó là vấn đề được quan tâm trong buổi tập huấn cho phóng viên, biên tập viên truyền thông về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động năm 2012 do Bộ TT&TT tổ chức tại Lâm Đồng ngày 26/7.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn phát biểu tại buổi tập huấn
Mỗi năm có trên 6.000 vụ TNLĐ
Theo ông Phạm Gia Lượng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), mỗi năm cả nước có đến 6.000 vụ tai nạn lao động xảy ra ở các doanh nghiệp. Việc trang bị các thiết bị cứu trợ an toàn lao động chưa được các doanh nghiệp trong nước chú trọng. Đặc biệt, có tới 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu điều kiện về đảm bảo an toàn lao động.
Tuy nhiên, chưa năm nào có quá 10% doanh nghiệp nộp báo cáo về tình hình TNLĐ cho các Sở LĐ-TB&XH. Khi xảy ra TNLĐ, nhiều doanh nghiệp thường tìm cách thỏa thuận bồi thường cho người lao động để che giấu các cơ quan chức năng. Hoặc nếu bị phát hiện, doanh nghiệp lại biện minh do không có đủ kinh phí để đầu tư, trang bị máy móc hiện đại để bảo vệ an toàn cho công nhân. Song, trên thực tế, doanh nghiệp thường cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có việc giảm chi phí trang bị bảo hộ lao động cá nhân, các dụng cụ bảo hiểm cần thiết cho người lao động… gây ra các vụ TNLĐ đáng tiếc.
Điển hình tại Đồng Nai, nơi có các KCX – KCN lớn nhất nhì cả nước nhưng tình trạng đảm bảo an toàn lao động luôn đứng ở mức “báo động đỏ”. Ông Mai Sông Bé, Giám đốc Đài PT – TH Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh có 32 KCN với khoảng 500.000 công nhân. Thêm khoảng 200.000 công nhân làm việc ngoài KCX – KCN nhưng ý thức ngăn ngừa tai nạn còn rất kém. Tính từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã xảy ra 1.500 vụ TNLĐ.
Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ việc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân
“Điều đáng nói là công tác thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng vẫn chỉ là hình thức như mỗi lần đi kiểm tra thường báo trước cho doanh nghiệp. Bởi vậy mà khi phóng viên đi theo đoàn vào ghi nhận thấy quần áo bảo hộ cho công nhân còn mới toanh, nhiều nơi dụng cụ phòng chống cháy nổ còn rất mới nhưng chưa dùng đến nên phủ đầy bụi và nhện giăng khắp nơi”, ông Bé bức xúc.
Sẽ tổ chức liên hoan phim về an toàn vệ sinh lao động
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho rằng, trên thế giới các nước rất coi trọng công tác an toàn vệ sinh lao động và môi trường doanh nghiệp. Đã có những tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội và các quy tắc ứng xử được đưa ra là chăm sóc sức khỏe người lao động, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường. Song, ở Việt Nam số lượng doanh nghiệp được cấp phép thành lập quá dễ dàng nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu an toàn về lao động. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả, khi kinh doanh không đảm bảo an toàn lao động, doanh nghiệp sẽ phải chịu tổn thất nặng nề như mất uy tín, phá sản…
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng thừa nhận, con số trên đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng yếu kém văn hóa an toàn lao động của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu bức thiết nhất đối với doanh nghiệp lúc này là cần phải xây dựng một chuẩn văn hóa an toàn lao động, phải xem an toàn lao động là tiêu chuẩn hàng đầu để xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trong đó, rất cần những bài viết của phóng viên các báo, đài về thực trạng mất an toàn vệ sinh lao động để cảnh báo cho chủ doanh nghiệp. Được biết vào đầu năm 2013, tại Lâm Đồng sẽ diễn ra liên hoan phim với chủ đề chính là phóng sự có đề tài “An toàn vệ sinh lao động”. Liên hoan phim lần này quy tụ tất cả các đài PT – TH cả nước, bao gồm những tác phẩm phim tài liệu truyền hình và tác phẩm phim phóng sự đề tài an toàn vệ sinh lao động.
Thúy Ngà