“Doanh nghiệp bị khởi tố, kiểm toán có là đồng phạm?”
Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sửa đổi.
Kiểm toán có là đồng phạm?
Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến giải trình tiếp thu của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) nhưng điều khiến ĐB Nguyễn Bá Thuyền băn khoăn là trách nhiệm của kiểm toán đề cập trong dự thảo Luật khá mờ nhạt.
“Dự thảo Luật lần này mới quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của kiểm toán chứ chưa quy định rõ trách nhiệm”- ông Bá Thuyền nói.
ĐB tỉnh Lâm Đồng dẫn dụ, nhiều doanh nghiệp (DN) kiểm toán xong một thời gian ngắn sau đã thấy chủ DN bị bắt giam, khởi tố. Hay có DN kiểm toán xong, thanh tra vào kiểm tra phát hiện ra đầy rẫy những sai phạm, nhưng chủ DN chịu hết trách nhiệm chứ kiểm toán không chịu trách nhiệm gì.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng): Doanh nghiệp mà bị khởi tố, kiểm toán phải là đồng phạm! |
“Thử hỏi trong những vụ việc như thế kiểm toán có phát hiện sai phạm của DN không? Tôi chắc là có. Nếu DN bị khởi tố, bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm?”- ông Thuyền đặt câu hỏi và nhấn mạnh, luật đã quy định rất rõ quyền và nhiệm vụ của kiểm toán thì cũng phải quy định rõ ràng, dứt khoát trách nhiệm. “Nếu anh vừa kiểm toán xong, DN bị khởi tố, đi tù thì anh cũng phải là đồng phạm”- ĐB Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.
Nhắc đến trách nhiệm của kiểm toán, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn đại biểu Hà Nội) đồng tình với quan điểm mà ĐB Nguyễn Bá Thuyền đưa ra. Vị ĐB Hà Nội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội dẫn chứng, hơn 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào kiểm toán Vinashin, Vinalines… nhưng rồi có phát hiện ra sai phạm đâu. Sau đó cơ quan điều tra vào cuộc lại “lòi” ra sai phạm. Trách nhiệm trong trường hợp như vậy của kiểm toán ra sao thì luật phải quy định thật rõ.
Liên quan tới thẩm quyền, nhiệm vụ chuyển cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, quy định chung chung như trong dự thảo luật sửa đổi sẽ không rõ trách nhiệm của kiểm toán.
“Thẩm quyền này rất lớn, nếu không quy định chặt chẽ thì kiểm toán chỉ cần “rung” lên một cái là DN lại phải chạy vạy đến xin xỏ, sinh ra lạm quyền, tiêu cực”- ông Quyền lo lắng.
ĐB Lê Nam (Đoàn đại biểu Thanh Hóa) cũng nhất trí rằng “Luật phải quy định rõ trách nhiệm để khi có vấn đề phát sinh dễ dàng quy trách nhiệm, xử lý rõ ràng…”.
Nhiệm kỳ Tổng Kiểm toán Nhà nước: 5 hay 7 năm?
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, Ủy ban này đề xuất Quốc hội cho giữ nguyên nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm và không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là, giữ nguyên nhiệm kỳ Tổng KTNN là 7 năm sẽ bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của KTNN , phù hợp với trách nhiệm trong kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước, thông lệ quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn thực tiễn thực thi Luật KTNN trong những năm qua cho thấy, quy định về nhiệm kỳ của Tổng KTNN không phát sinh vướng mắc.
Tuy nhiên, không đồng tình về nhiệm kỳ của Tổng KTNN quá dài, ĐB Thuyền nêu quan điểm, nhiệm kỳ chỉ nên kéo dài 5 năm. “Các cơ quan Quốc hội bầu nhiệm kỳ chỉ 5 năm, tại sao kiểm toán lại đòi đặc quyền nhiệm kỳ tới 7 năm?”- ông nói và đề xuất, dự thảo luật nên đưa ra 2 phương án nhiệm kỳ 5 năm và 7 năm để các ĐBQH bỏ phiếu, quyết định. Còn riêng nhiệm kỳ của chức danh Phó tổng KTNN thì không nhất thiết phải theo nhiệm kỳ Quốc hội do đây là công chức Nhà nước và theo Luật Công chức thì nhiệm kỳ quy định là 5 năm.
Từ thời hạn nhiệm kỳ của Tổng KTNN và Phó tổng KTNN, ông Thuyền đề nghị, cần thiết phải xây dựng Luật Chính khách để xác định cho rõ, công bằng ai là chính khách trong bộ máy Nhà nước thì tuân theo nhiệm kỳ Quốc hội; còn ai là công chức Nhà nước thì theo Luật Công chức… Có như vậy sẽ tránh được chuyện biến Ủy ban Thường vụ Quốc hội biến thành cơ quan quản lý hành chính.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định) cũng thống nhất, nhiệm kỳ của Tổng KTNN chỉ nên là 5 năm. Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Nam Định phân tích, theo nguyên tắc thì nhiệm kỳ Tổng KTNN phải là bội số của 18 tháng (thời hạn quyết toán ngân sách Nhà nước) hoặc 2 năm mới phù hợp.
Thêm nữa, KTNN không chỉ có mỗi ông Tổng KTNN làm việc mà đó là cơ quan, tổ chức, dưới Tổng KTNN còn có các Phó tổng KTNN. Tổng KTNN này hết nhiệm kỳ thì bộ máy vẫn tiếp tục vận hành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.
ĐB Sơn cũng không đồng tình với quan điểm đưa ra, nhiệm kỳ Tổng KTNN phải là 7 năm mới độc lập. “Vì sao nhiệm kỳ 5 năm không độc lập, không phù hợp với thông lệ quốc tế?”- ông đặt câu hỏi.
Trước quan điểm còn nhiều ý kiến khác nhau về nhiệm kỳ của Tổng KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quan điểm mà các ĐB đưa ra, Quốc hội sẽ đưa ra 2 phương án: nhiệm kỳ Tổng KTNN là 7 năm và 5 năm để các ĐBQH biểu quyết.