Điều cần nhất là hành động một cách quyết liệt
Điều cần nhất là hành động một cách quyết liệt
Thực trạng phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường đang tạo nên nhiều biến tướng trong tệ nạn tham nhũng |
Ngay sau Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết TƯ 4, khóa XI (ngày 27, 28/2), việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triệu tập Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 (ngay 7/3) được dư luận hết sức quan tâm. Bởi việc xây dựng, chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng theo Nghị quyết TƯ 4 không thể tách rời cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết TƯ 3 (khóa X).
Hay nói cách khác, kết quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ có ý nghĩa quyết định thành bại của việc chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng. Bởi tham nhũng chính là vấn đề gây nhức nhối, gây mất lòng tin của nhân dân, tàn phá Đảng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất trong các vấn đề về thực trạng suy thoái, tha hóa của cán bộ, đảng viên hiện nay mà Nghị quyết 4 đã nêu ra. Chống tham nhũng hiệu quả có nghĩa là chúng ta đã giải quyết được nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong việc chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng.
Tại hội nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, báo cáo của Ban chỉ đạo đã đánh giá một cách khách quan: trong 5 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế yếu kém. Số vụ việc được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Có nghĩa công tác chống tham nhũng chưa đạt được kết quả tích cực với mục tiêu là ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng. Ngược lại, thực trạng tham nhũng đang có chiều hướng nghiêm trọng và phức tạp hơn. Trong khi đó, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn được tiến hành một cách hời hợt, thụ động, dẫn đến hiệu quả thấp. Vì vậy, mới xảy ra tình trạng trong khi các văn kiện của Đảng và Nhà nước đều đánh giá tình trạng tham nhũng đã đến mức cực kỳ nghiêm trọng, tràn lan, đe dọa sự tồn vong của chế độ, khiến nhân dân bức xúc, mất lòng tin thì trong suốt 5 năm qua, nhiều địa phương báo cáo lên không phát hiện vụ tham nhũng nào. Chỉ một chi tiết này thôi cũng đủ thấy hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay đến đâu.
Trước thực trạng đó, hội nghị đã thảo luận và nêu lên nhiều vấn đề nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong đó tập trung và 2 nhóm giải pháp: cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy.
Nhóm giải pháp về cơ chế chinh sách, như phát biểu kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý Nhà nước, tránh xin - cho, tạo sơ hở cho tiêu cực. Tóm lại là phải bịt kín các kẽ hở có thể tạo ra tham nhũng. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác cán bộ, công khai minh bạch, dân chủ trong tuyển dụng cán bộ, đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ; hoàn thiện chính sách về tiền lương, đất đai, nhà ở cho cán bộ, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền đặc lợi.
Nhóm giải pháp về tổ chức, bộ máy nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng các cấp và hệ thống cơ quan điều tra, tư pháp, thanh tra. Trong đó, vấn đề được thảo luận nhiều nhất là việc đổi mới mô hình của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.
Nói chung, những vấn đề được nêu ra thảo luận tại hội nghị nêu trên đều không phải là vấn đề mới có tính đột phá. Ngược lại, đó đều là những vấn đề đã được nêu ra, thảo luận khá nhiều trong các cuộc họp, các diễn đàn bàn về chống tham nhũng. Trong khi tình trạng tham nhũng đang thực sự trở thành căn bệnh nan y, có nguy cơ vô phương cứu chữa thì điều cần nhất hiện nay là hành động, hành động một cách khẩn trương, quyết liệt, không khoan nhượng theo nguyên tắc đã được nói nhiều trong quá trình triển khai Nghị quyết 4 vừa qua: xử lý từ trên xuống với vai trò tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo.
Đăng Vũ