Điều cần làm ngay là xử lý nợ "khủng" 5.000 tỷ đồng từ BHXH
Chiều nay (16/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
ĐB Vũ Xuân Trường đề nghị áp dụng xử lý hình sự với hành vi trốn đóng BHXH |
4 luật đòi tăng tuổi hưu
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đồng tình với chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu. Điều này sẽ khắc phục tình trạng đóng bảo hiểm thấp hưởng cao, đóng ngắn hưởng dài… Hơn nữa, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, vì vậy nâng tuổi nghỉ hưu là rất cần xem xét, điều chỉnh.
Tương tự ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cũng đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động có trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó cần quy định việc xử lý hành chính, xử lý hình sự, khởi kiện doanh nghiệp ra tòa liên quan đến việc nợ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, ĐB Lê Thành Nhơn (Bình Dương) cho rằng, tuổi nghỉ hưu đã được quy định trong Luật Lao động có hiệu lực trong năm 2013, không hiểu sao lại đưa vào Luật BHXH.
“Theo tôi Luật Bảo hiểm xã hội chỉ cần bàn những điều kiện được nghỉ hưu. Hơn nữa, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo chưa thuyết phục. Nói tập trung tăng thu cũng chưa rõ” – ĐB lưu ý.
ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là chưa hợp lý. “Việc vỡ quỹ bảo hiểm xã hội có nhiều nguyên nhân, do không thu được bảo hiểm xã hội, năng xuất lao động thấp, quản lý yếu kém, bộ máy cồng kềnh… Do vậy, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng áp lực việc làm cho lao động trẻ” – bà Ngân nêu quan điểm.
Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – ĐB Cù Thị Hậu thì cho rằng, Bộ Luật lao động mà Quốc hội vừa thông qua chính là luật gốc. Bên cạnh luật công chứng, VKS, Tòa án, Luật BHXH là luật thứ 4 đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
“Trong một kỳ họp có tới 4 luật đề xuất tăng tuổi hưu sẽ dẫn tới không thực thi nghiêm quy định của Bộ Luật lao động. Tuổi nghỉ hưu nên thực hiện theo điều 187 Bộ Luật lao động – quy định nên thực hiện nâng tuổi hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý, có thể điều chỉnh nhưng phải có hướng dẫn” – ĐB Hậu đề nghị.
Nợ BHXH lên đến 5.000 tỷ đồng
ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị nếu vi phạm trong sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, chây ỳ, trốn tránh đóng BHXH phải bị xử lý như hành vi trốn thuế, áp dụng mức truy thu, cao nhất là có thể bằng các biện pháp hình sự.
“Các chế tài đó cần quy định rõ trong dự thảo lần này. Nếu để mô hình BHXH như hiện tại là không ổn, phải xây dựng theo mô hình như cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Lao động hoặc Bộ Tài chính, trong đó có lực lượng thanh tra chuyên ngành kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong việc thu nộp BHXH. Khi các cơ quan này ra quyết định thu nộp bảo hiểm thì như quyết định hành chính và người lao động có quyền khởi kiện ra tòa khi thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo” – ĐB Trường nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì cho rằng, BHXH chưa được đặt đúng vị trí và vai trò của nó, dù đang chịu sự quản lý của 3 Bộ là Lao động, Y tế và Tài chính. Chính quy định quản lý nhà nước bị chia cắt như vậy, việc quản lý chưa chặt chẽ nên thời gian qua đã có những sai phạm nhất định.
Cụ thể là cho công ty cho thuê tài chính II- vốn không thuộc đối tượng được vay nhưng lại cho vay cả nghìn tỉ đồng. Mặc dù có dấu hiệu cố ý làm trái, hậu quả để lại không nhỏ nhưng vụ việc lại chỉ được xử lý hành chính, và cảnh cáo.
“Cần xác định lại vị trí của bảo hiểm xã hội, đưa về Bộ Lao động quản lý với chức năng quản lý tương đương tổng cục thì sẽ tốt hơn” – ĐB Cương đề nghị.
Theo số liệu của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, số tiền nợ gần 5.000 tỷ đồng, riêng trong năm 2013 có 521 doanh nghiệp nợ BHXH với tổng số tiền trên 1.600 tỷ đồng, chiếm 34% tổng số nợ bảo hiểm xã hội. ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP HCM) cho rằng vấn đề cần làm ngay là xử lý nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. ĐB đề nghị cần có giải pháp để xử lý, như vậy quỹ bảo hiểm xã hội mới bền vững được.
Trước nhiều ý kiến nêu của ĐB, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp với Điều 187 của Bộ luật lao động, làm sao tăng nguồn thu cho quỹ.
Bộ trưởng Chuyền cũng cho biết, theo nghị quyết của Trung ương, phấn đấu tới năm 2020 sẽ có 50% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.