Điều 60 Luật BHXH: ĐBQH muốn có Nghị quyết về hưởng bảo hiểm 1 lần
Sửa hay không sửa Điều 60 Luật BHXH và sửa theo hướng nào? Có vì Luật ban hành chưa có hiệu lực nhưng vấp phải sự phản kháng của một bộ phận người lao động mà phải sửa luật?.... là những ý kiến băn khoăn của các ĐBQH tại phiên thảo luận sáng 27/5 về sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Lĩnh BHXH 1 lần là lo trước mắt?
Mở đầu phần tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 27/5 về sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) không đồng tình chuyện sửa Điều 60 vì Luật BHXH 2014 tới đầu năm 2016 mới có hiệu lực nên giờ chưa có ảnh hưởng gì tới cuộc sống, việc làm của người lao động.
“Không phải sửa Điều 60 vì nguyên tắc có sai mới sửa, mà điều này hoàn toàn đúng đắn. Giải pháp tốt nhất là đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết cho phép người lao động sau 1 năm nghỉ việc được quyền lựa chọn đóng BHXH 1 lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu”, nữ ĐB TP. Đà Nẵng đề xuất.
ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Dù là ý kiến phản đối của thiểu số, nhưng thấy sai thì phải sửa. |
Chia sẻ với khó khăn và nguyện vọng của một bộ phận công nhân muốn lĩnh BHXH 1 lần, nhưng ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, đó là cái lo trước mắt, chưa thấy cái lợi lâu dài. “Các chính sách không bao giờ thỏa mãn 100% các đối tượng, dù hoàn thiện, đúng đắn đến mấy cũng có ý kiến trái chiều hoặc không đồng tình”- ĐB Khanh nói.
Ông dẫn dụ, khi ra quy định đội mũ bảo hiểm đã bị phản ứng dữ dội, hàng chục năm có những người không đội mũ nhưng ta vẫn kiên quyết làm. Việc tinh giảm biên chế ai cũng đồng tình, nhưng khi động đến con cháu mình thì lại phản ứng dữ dội. “Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền rộng hơn để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, mọi trở ngại sẽ qua, người đồng tình sẽ đồng tình với luật”- vị ĐB tỉnh Hải Dương nêu quan điểm và đề nghị không sửa, cũng không bổ sung Điều 60 Luật BHXH.
Đại diện cho thiểu số, nhưng sai thì phải sửa
Tiếp mạch thảo luận về việc sửa hay không sửa Điều 60, theo ĐB Đặng Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh), hiện đồng lương người lao động đang quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. “Có gặp người lao động thấy họ xanh xao, mệt mỏi mà thấy xót xa, mới hiểu dược vì sao họ lại đặt ra vấn đề muốn hưởng BHXH 1 lần”- bà Tâm nói.
Bà tiếp lời, “đối với người có tiền vài triệu đồng là ít, nhưng với người lao động thì vài triệu là cả tài sản mà họ phải làm việc cật lực mới có được. Vấn đề người lao động cần là Quốc hội cân nhắc thấu đáo, có tình, có lý, sát thực tiễn”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) nói thẳng, sở dĩ người lao động phản ứng với quy định tại Điều 60 là vì đã tước bỏ quyền lựa chọn và chưa quan tâm tới lợi ích cộng đồng người lao động khác nhau. “Người lao động không nói bỏ Điều 60, cái họ phản ứng là vì đã tước bỏ quyền lựa chọn của họ”- ĐB Nghĩa chia sẻ.
Ông cũng không đồng tình với quan điểm rằng vì đây là ý kiến phản ứng của một cộng đồng thiểu số nên không cần chú ý, không vì một thiểu số nào đó mà phải sửa luật… “Luật có hiệu lực rồi chúng ta vẫn sửa, cớ gì chưa có hiệu lực lại không sửa được. Nếu sửa thì phải tính toán đảm bảo quyền lựa chọn chính đáng, hợp pháp của người lao động” – ông Nghĩa bày tỏ.
Cũng tán thành quan điểm không phải luật chỉ bảo vệ số đông, mà ngay cả số ít cũng phải bảo vệ, ĐB Chu Sơn Hà (TP.Hà Nội) kiến nghị, để tránh “sai đâu sửa đó, càng sửa càng sai” thì Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội nên khảo sát lại đối tượng chịu tác động để Quốc hội đưa ra quyết định cuối cùng, có thể đưa ra nghị quyết hoặc sửa để đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Không nhất trí với báo cáo Chính phủ đưa ra đề xuất “trước mắt cho người lao động lựa chọn…”, bởi theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), như thế không thấy sự lâu dài của chính sách. Ông cũng đặt nghi vấn: Ở đây có chuyện vỡ quỹ BHXH hay không? Có phải vì vấn đề người lao động đòi hưởng BHXH 1 lần ngày một tăng nên dùng chính sách áp đặt, bắt họ không được hưởng một lần…?
Theo ông, dù là ý kiến phản đối của thiểu số, nhưng thấy sai thì phải sửa. Và sửa phải có điều kiện, Chính phủ phải có tờ trình làm rõ vấn đề theo trình tự luật ban hành thi hành văn bản pháp luật, cung cấp đầy đủ báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh, ý kiến góp ý của người lao động, ĐBQH tại tổ, hội trường; báo cáo tiếp thu giải trình liên quan tới Điều 60… Trên cơ sở đó Quốc hội có thể xem xét trong kỳ họp thứ 10 diễn ra vào cuối năm 2015.
“Có thể bổ sung thêm quyền lựa chọn cho người lao động rút tiền ra để giải quyết khó khăn trước mắt, sau 3-5 năm được quyền nộp lại tiền này để tiếp tục hưởng BHXH, như BHXH cho người nghèo vay không lãi” – ĐB Minh đề xuất thêm một sự lựa chọn cho người lao động trong Điều 60.
ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) nhấn mạnh, nếu sửa Điều 60 thì phải sửa toàn diện. Vì thế, ông Tùng đề xuất, không phải chờ tới kỳ họp sau, mà ngay tại kỳ họp lần này Quốc hội nên ra nghị quyết để người lao động có quyền lựa chọn nhận trợ cấp BHXH 1 lần hoặc tiếp tục bảo lưu cho tới khi nhận lương hưu. “Hơn ai hết để người lao động có quyền chọn lựa” – ĐB Tùng nói.