Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội: “Ta không sai nhưng ta chưa đủ”
Thảo luận xoay quanh điều 60 Luật BHXH, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền cho rằng: “Đối với vấn đề này thường ta có nghị quyết, bảo hiểm trả 1 lần, trả nhiều lần, nó đáp ứng được yêu cầu không sửa đi sửa lại. Sửa lại nhiều lần, ra nghị quyết thực hiện một thời gian sau đó áp dụng tiếp tục”.
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh lại không đồng ý với việc sủa đổi điều 60 Luật BHXH. Đại biểu Khánh cho rằng: “Điều 60, sự việc vừa thông qua vấp phải sự phản ứng của một nhóm công nhân, chuyện này không phải là do luật có vấn đề mà do tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa làm tốt đến tầng lớp nhân dân”.
Đại biểu Khánh đề nghị cần yêu cầu các ngành, các cấp địa phương vận động giải thích cho người dân hiểu về chủ trương tốt. Vì việc người lao động hưởng chế độ lương hưu là có lợi cho người lao động. Đại biểu Khánh đề nghị thực hiện tuyên truyền giải thích chứ không phải sửa luật. Khó khăn đến đâu chúng ta từng bước tháo gỡ.
Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ. |
Có ý kiến khá mạnh mẽ, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Điều 60, quá trình làm luật là chuẩn nhưng tôi trách tôi, tôi thấy nhiều gia đình rất khó khăn không có điều kiện để được hưởng lương hưu. Tôi tin chắc rằng nếu chúng ta nhìn ra từ trước thì chúng ta đã không đưa điều luật này vào”.
Đại biểu An nhấn mạnh lần nữa: “Quy trình làm luật rất chuẩn rất nhân văn, nhưng chưa đủ. Tôi hoan nghênh sự tiếp thu của Chính phủ khi nghe ý kiến của dân… Ta không sai nhưng ta chưa đủ”.
Đại biểu An nói hình tượng: “Ai cũng biết gạo nếp ngon, đắt, bổ hơn gạo tẻ, nhưng không phải ai cũng ăn được. Do đó nên để cho người dân lựa chọn tùy thuộc hoàn cảnh điều kiện của mình”.
Tại phiên họp tại tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, các đại biểu khác cũng đưa ra nhiều ý kiến xung quanh Điều 60, Luật BHXH.