Diễn viên hài Công Lý lên bìa sách luật: Có thể khởi kiện!
Cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014, nằm trong Tủ sách pháp luật cơ sở của NXB Lao động-Xã hội in 1000 bản, phát hành năm 2014 đã khiến bạn đọc ngỡ ngàng khi lấy ảnh bìa là diễn viên hài Công Lý ghép vào thân hình một người mẫu mặc quần sà lỏn, đứng trên quả cầu lửa, hai tay cầm hai cán cân.
Bìa sách luật phản cảm của Nhà xuất bản Lao động-Xã hội. Ảnh TTO |
Được biết, diễn viên hài Công Lý không hề biết việc mình “được” lên bìa sách một cách bất đắc dĩ, phản cảm như thế này. Đồng thời, dư luận cũng hết sức bức xúc vì một cuốn sách nghiêm túc như thế lại có một hình trang bìa hết sức thiếu văn hóa.
Dưới góc nhìn luật pháp, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp HCM) và Luật sư Phạm Công Út – Giám đốc Công ty luật Phạm Nghiêm đã chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Quá phản cảm, thiếu văn hóa!
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư Tp HCM) |
Thưa luật sư, hiện nay, công luận đang xôn xao vụ diễn viên hài Công Lý bị in ảnh mặc quần nhỏ trên trang bìa sách luật. Là luật sư, quan điểm của anh như thế nào khi nhìn thấy cuốn sách như vậy?
Quả thật là rất phản cảm, thiếu văn hoá. Sách luật cần đòi hỏi sự nghiêm túc, không ai có thể chấp nhận hình ảnh khoe thân thể trên bìa sách như vậy. Chưa nói đến, hình minh hoạ như vậy có thể sẽ khiến người đọc liên tưởng đến luật pháp như một sự hài hước, vì nhân vật trong ảnh là một diễn viên hài mang tên Công Lý.
Điều đó gây ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật, làm giảm sút uy tín của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ công lý.
Hình ảnh được cho là của Công Lý được in trên bìa sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014(Nguồn Tuổi trẻ) |
Từ góc độ luật pháp, nếu cuốn sách in hình như vậy, nhà xuất bản có vi phạm luật không?
Rõ ràng hành vi như vậy đã vi phạm điều cấm quy định khoản 1 điều 10 Luật Xuất bản. Đó là hành vi xúc phạm uy tín của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ công lý.
Nếu đây là hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Căn cứ theo Điều 11 Luật Xuất bản, Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Xuất bản phẩm có vi phạm sẽ bị đình chỉ phát hành có thời hạn và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải sửa chữa mới được phát hành hoặc bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy.
Luật sư có nghĩ, đây không chỉ là hệ quả của việc làm sách ẩu không?
Tôi nghĩ rằng, về nhận thức của những người làm công tác xuất bản, ai cũng có thể nhận thức được việc này là không phù hợp. Hy vọng đây chỉ là sai sót do vô ý trong quá trình xuất bản.
Nếu chứng minh được hành vi này là cố ý về nhận thức thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Dẫu biết trên thực tế đâu đó vẫn còn nhiều vụ án công lý chưa được thực thi, nhưng ví công lý như một sự hài hước trong một sản phẩm văn hoá để phát hành sản phẩm đó rộng rãi ra cộng đồng thì không thể chấp nhận được.
Nhiều người nhận định hình ảnh trang bìa là do tìm trên Google, phải chăng ý thức của người dân về quyền hình ảnh cá nhân chưa cao, nên dẫn đến tình trạng như vậy?
Đúng như vậy. Quyền cá nhân đối với hình ảnh của mình được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng, khai thác hình ảnh của người khác trong các tác phẩm của mình mà không xin phép họ. Còn người bị lợi dụng hình ảnh thì cũng chẳng có động thái phản ứng nào. Nên tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Theo anh, Công Lý có thể kiện NXB hay không? Nếu kiện luật sư có ủng hộ không?
Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, nếu NXB Lao động- Xã hội chưa xin phép, diễn viên Công Lý hoàn toàn có thể khởi kiện nhà xuất bản đòi gỡ bỏ hình ảnh và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu có. Tôi ủng hộ.
- Xin cảm ơn ông!
Luật sư Phạm Công Út: Bất kỳ ai cũng có một cảm giác giận dữ
Thưa ông, hình ảnh này chắc chắn không đại diện cho Bộ luật dân sự vì chỉ là sản phẩm của một nhà xuất bản. Nhưng ông có nghĩ rằng Bộ luật dân sự đã bị ảnh hưởng bởi hình ảnh này?
Đúng vậy! Hình ảnh minh họa của ấn phẩm ấy không thể là đại diện cho cơ quan lập pháp cao nhất nước là Quốc Hội. Tuy nhiên, đây lại là một quyển sách với nội dung chuyển tải bộ luật và các văn bản hướng dẫn ban hành kèm theo, nhưng lại được minh họa bìa bằng hình ảnh rất nhố nhăng.
Điều đó ảnh hưởng đến không chỉ niềm tin của người dân khi cầm quyển Bộ luật dân sự ấy trong tay, mà còn làm ảnh hưởng đến tinh thần thượng tôn pháp luật của một nhà nước pháp quyền.
Rất tiếc là khâu biên tập và cấp phép đã không phát hiện ra "sai sót kỹ thuật" vô cùng tai hại. Kết quả là có ít nhất 1.000 quyển sách ấy đã tung ra thị trường và nhiều hơn con số ấy là cộng đồng mạng toàn cầu đã nhìn thấy sai lầm đáng tiếc ấy của nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
Đã từng là một thẩm phán, ông cảm thấy như thế nào trước một cuốn sách luật có bìa minh họa như vậy?
Tôi cho rằng, đây là một sự sỉ nhục vào ngành nghề, lĩnh vực của những nhà làm luật và cả những người có trọng trách cầm cân nảy mực hoặc những nhà hoạt động tư pháp chân chính khác ở Việt Nam.
Nhưng nếu không phải là một thẩm phán thì bất kỳ công dân nào cũng có thể sẽ có cảm giác giận dữ, vì đạo luật mà các công dân đặt niềm tin vào các chỉ dẫn trong toàn bộ các giao dịch dân sự trên lãnh thổ Việt Nam đã bị bôi nhọ bằng hình ảnh minh họa mang cảm giác hoen ố như thế.
Tưởng cũng nhắc lại, việc biên soạn từ các dự thảo để trở thành Bộ luật dân sự đầu tiên của Việt Nam là quá trình xây dựng một đạo luật đồ sộ rất gian truân và tốn kém. Có thể so sánh hình tượng như sau, mỗi chữ trong bộ luật này trị giá bằng một lượng vàng, vì đó là công sức trí tuệ của tập thể ban soạn thảo, quá trình đóng góp ý kiến của các chuyên gia, ý kiến quần chúng nhân dân, các đại biểu Quốc hội... Nay thì bìa sách đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín một đạo luật của quốc gia như thế đó.
- Xin cảm ơn ông!