Di chúc Bác Hồ: Vẹn nguyên giá trị và tính thời sự

Đảng và nhân dân ta coi Di chúc của Hồ Chủ tịch là một tài sản vô giá, bởi những giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc ngày càng được khẳng định.

Trong 2 ngày 27 và 29/8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí minh, Cục Văn thư lưu trữ Trung ương và Học viện Báo chí Tuyên truyền đã phối hợp tổ chức Triển lãm và 2 Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là đợt sinh hoạt chính trị vô cùng có ý nghĩa, là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đánh giá lại những thành tựu và hạn chế của dân tộc sau 45 năm thực hiện Di chúc của Người.

Di chúc Bác Hồ: Vẹn nguyên giá trị và tính thời sự - ảnh 1

Được lòng dân là có tất cả

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đảng và nhân dân ta coi Di chúc của Hồ Chủ tịch là một tài sản vô giá, xứng đáng được xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa tinh thần của dân tộc bởi những giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc ngày càng được khẳng định. Những lời dặn của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về “công việc đối với con người”, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau… vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự”. 

PGS.TS Bùi Đình Phong ví dụ, hiện chúng ta đang đẩy mạnh quá trình Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó đảng viên có nhiệm vụ phê bình và tự phê bình. “Tôi cho rằng, vai trò phê bình và tự phê bình trong Đảng là đúng rồi. Nhưng đặt trường hợp, nếu tập thể phê bình mãi mà cán bộ, đảng viên không tiến bộ thì sao? Phải kỷ luật thật nghiêm để làm gương cho những cán bộ khác, qua đó xây dựng kỷ luật trong Đảng và lấy lại niềm tin của nhân dân” PGS.TS Bùi Đình Phong nói.

Trong bài tham luận “Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm qua bản Di chúc”, PGS. TS Bùi Đình Phong chỉ rõ: Người chọn thời điểm sinh nhật để viết về “cái chết”. Tiết kiệm cả thời gian để viết những lời “nhắn nhủ” cho Đảng, cho nước, cho dân nhưng không quên những công việc hàng ngày. 

Ý thức tiết kiệm thời gian, công sức, vật chất là những điều chúng ta dễ dàng nhận thấy rất rõ trong đạo đức và lối sống hàng ngày của Người. Tiết kiệm theo quan điểm của Hồ Chí Minh là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, phải biết quý đồng tiền, hạt gạo của dân. Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu... 

Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tư tưởng tiết kiệm, tấm gương sáng ngời về tiết kiệm. Cố Thủ tướng Ấn Độ Neru từng nói về Người: “Chúng ta có dịp hoan nghênh với lòng kính trọng và yêu quý nhiều vị thượng khách từ các nước đến. Nhưng vị thượng khách mà chúng tôi hoan nghênh hôm nay thật đặc biệt. Đặc biệt không phải vì chính trị hoặc vì lẽ gì khác, nhưng vì không vị thượng khách nào giản di như thượng khách này và hễ gặp mặt là người ta phải yêu mến...”.

PGS. TS. Bùi Đình Phong chỉ rõ: “Cả cuộc đời Người sống trong lòng nhân dân với niềm tin được lòng dân là có tất cả, mà mất lòng dân là mất hết. Tiết kiệm vì dân sẽ được lòng dân”. Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Người, nhìn thẳng vào sự thật nước ta vẫn còn là một nước nghèo, nhưng chúng ta đang có quá nhiều lãng phí: lãng phí thời gian, sức lao động, của cải vật chất; lãng phí sử dụng vốn, tài sản công; lãng phí tài nguyên khoáng sản... 

“Một loại lãng phí ít người quan tâm là lãng phí chất xám, bố trí người không đúng chỗ, chưa quan tâm sử dụng người tài, chưa “khéo dùng cán bộ” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Và Người chỉ rõ, lãng phí là kẻ thù của nhân dân. Kẻ thù này nguy hiểm vì không mang gươm súng mà nằm trong cán bộ công chức, trong tư duy của cán bộ lãnh đạo, phá hoại từ trong phá ra. Lãng phí chính là ta tự bôi nhọ ta, ta tự đánh đổ ta”, PGS.TS Bùi Đình Phong nói.

Đoàn kết, chỉnh đốn Đảng là vấn đề hệ trọng

Nhìn lại Di chúc của Người, các đại biểu đều chung nhận định, vấn đề đoàn kết và chỉnh đốn Đảng được coi là vấn đề hệ trọng nhất hiện nay. GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương nhận xét: “Trong những lời căn dặn trong Di chúc, lời đầu tiên Người căn dặn về Đảng. Và việc đầu tiên Người nhấn mạnh là thực hành đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng. Bác nhấn mạnh cần thiết phải chỉnh đốn lại Đảng, xem đó là việc trước tiên phải làm ngay sau khi cách mạng giải phóng miền Nam hoàn toàn thắng lợi. Một trong những mối bận tâm lớn nhất của Người là làm thế nào để Đảng không xa dân khi đã cầm quyền”.

Nhấn mạnh công tác chỉnh đốn Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo đã chỉ rõ Đảng hiện nay phải tập trung vào 3 vấn đề cấp bách: Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.

“Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được Bác tiên liệu trước trong Di chúc. Di chúc tuy vô cùng ngắn gọn súc tích, nhưng hầu như đã chứa đựng toàn vẹn: không thiếu việc gì, không sót một ai. Điều làm nên sức mạnh của Đảng chính là sự đoàn kết. Và Người dạy, phải giữ sự đoàn kết trong Đảng như giữ con ngươi của mắt mình cũng vì lẽ ấy”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói. Và để làm được điều đó, theo các nhà lí luận chính trị, phải không ngừng phát huy cho được vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Theo ông Lê Đình Nghĩa, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Ban dân vận Trung ương: “Công việc của Nhà nước, của Đảng và của mỗi một cán bộ Đảng viên phải công khai minh bạch, để người dân nắm được và giám sát. Chỉ có thông qua việc người dân tham gia giám sát tới từng cán bộ, đảng viên chúng ta mới có thể chống được suy thoái đạo đức của cán bộ, qua đó ngăn ngừa được tham nhũng, lãng phí như hiện nay”.

Đồng quan điểm về quy chế giám sát, GS.TS Mạnh Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta phải có cơ chế, quy chế đối thoại với dân, bởi vì dân sinh ra Đảng. Đảng không phải từ trên trời rơi xuống, Đảng từ trong lòng nhân dân. Vậy chúng ta phải đối thoại với nhân dân, phải có một cái cơ chế cho việc này. Không những đối thoại, phải biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, qua đó Đảng sẽ nhận ra những khuyết điểm của mình để sửa chữa và hoàn thiện...”.

Còn nhiều việc phải làm

Trong bài tham luận “45 năm thực hiện Di chúc và những lời thề trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS.TS Phạm Xuân Mỹ, Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Ngày 9/9/1969, trong bài Điếu văn tại Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí Lê Duẩn đã thay mặt toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đọc 5 lời thề danh dự trước anh linh của Người. 45 năm nhìn lại, lời thề đầu tiên là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được cả dân tộc thực hiện xuất sắc. Nhưng 4 lời thề còn lại, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Ví dụ, lời thề thứ 2, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhưng hiện nay đất nước ta chưa phồn vinh, kinh tế chưa phát triển bền vững. Lời thề thứ 3 về xây dựng Đảng, trong đó nhiệm vụ đoàn kết, thống nhất, vững mạnh; tăng cường sức chiến đấu của Đảng... cũng đang là vấn đề nóng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Hiện một bộ phận không nhỏ đảng viên phai nhạt lí tưởng, cơ hội, tham nhũng, vô nguyên tắc... PGS. TS Phạm Xuân Mỹ trăn trở cho rằng: “Hiện có không ít cán bộ, đảng viên đã quên mất lời thề trước Bác...”. Đồng quan điểm này, TS. Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh trong bài tham luận “45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Thành tựu và hạn chế qua cảm nhận của người trong cuộc” nói: 45 năm sau ngày Bác mất, chúng ta vẫn chưa có chủ nghĩa xã hội thực sự, chúng ta đang trong quá trình đổi mới để biến nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Đọc lại bản Di chúc và 5 lời thề trước Người, chúng ta còn có quá nhiều việc phải làm trong tương lai.

Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/1969 có 5 lời thề danh dự trước anh linh của Người gồm:

1. Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thoả lòng mong ước của Người.

2. Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào.

3. Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi.

4. Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Hồ Chủ tịch, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các Đảng anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

5. Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng.

“Muốn đưa nước ta trở thành một nước CNH-HĐH theo hướng hiện đại, sánh ngang với các cường quốc năm châu, trước hết phải chăm lo, xây dựng Đảng đủ sức mạnh dẫn dắt dân tộc tiến về phía trước. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương mẫu mực: phải có đức, có tài; vừa hồng, vừa chuyên; vừa hiền, vừa minh. Đảng phải chỉnh đốn, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đúng theo tinh thần Hồ Chí Minh: phê bình và tự phê bình, đặt tự phê bình lên trước; phê bình việc chứ không phê bình người; phê bình phải trên tinh thần đồng chí thương yêu nhau...  45 năm, đọc lại Di chúc Bác Hồ, càng vững tin vào con đường mà Bác và Đảng đã chọn. Bởi lịch sử đã chứng minh, những điều Bác tiên liệu là vô cùng chính xác, bởi Di chúc Bác Hồ chính là “Cẩm nang thần kì”, vừa tổng kết lịch sử, vừa định hướng tương lai...”, TS. Chu Đức Tính nhấn mạnh.

Chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên

Trong bản Di chúc của Người, ngoài các vấn đề hệ trọng của Đảng, của dân tộc, Bác Hồ cũng dành nhiều sự quan tâm đặc biệt vào công tác chăm lo, đào tạo và bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên. Bởi thanh niên là trụ cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước. Với bài tham luận “Chiến lược trồng người của Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử”, TS. Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới tầng lớp thanh niên và thế hệ trẻ nói chung. Trong Di chúc, Hồ Chủ tịch đã căn dặn Đảng và Nhà nước, toàn xã hội phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người vừa hồng, vừa chuyên góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Theo TS Trần Thị Minh Tuyết: “Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ không phải là cái gì quá cao xa mà là gần gũi, giản dị, dễ thấy. Người viết: Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Và trong rất nhiều bài nói chuyện với thanh niên, Bác Hồ thường nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Và Người chỉ rõ, thanh niên bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc kế thừa và phát triển những thành tựu của người đi trước...”.

Đồng quan điểm này, Thạc sỹ Lê Đình Năm, Phó trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích thêm: Chính vì quan tâm tới giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người cũng chỉ rõ, Đảng và Nhà nước cần hết sức quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo quan điểm của Người, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống mới, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” còn khó khăn, lâu dài hơn nhiều so với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Chính vì thế, Bác Hồ thường căn dặn, dạy bảo thanh niên phải “ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

Có thể nói, chỉ với 10 trang bản thảo được Người viết tay trong  suốt 4 năm và chỉ viết vào vài ngày nhân dịp sinh nhật nhưng hàm chứa biết bao bài học nhân sinh và thời cuộc, là suy nghĩ và trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường và tương lai của dân tộc Việt Nam. Tại 2 Hội thảo khoa học “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đã có gần 100 bài tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà phê bình chính trị, các nhà nghiên cứu lịch sử dưới mọi khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, theo Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: “Bản Di chúc của Người tuy đơn giản nhưng chứa đựng những điều lớn lao. Trong đó, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là những giá trị vĩnh hằng được kết tinh qua bản Di chúc Người đã để lại cho Đảng, đất nước và nhân dân ta. 45 năm nhìn lại, bản Di chúc của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tính thời sự và trở thành những định hướng chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...”.

Việt Hoàng

Xây dựng con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số

Nhằm tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, “Sáng kiến công nghệ bao trùm” giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy xã hội công bằng và bền vững.

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Đang cập nhật dữ liệu !