Dẹp nạn nhũng nhiễu "hành" dân ở Hà Nội có khả thi?
Năm 2013 được xác định là “Năm kỷ cương hành chính” của Hà Nội. Điều này càng được quan tâm hơn khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 của Hà Nội rơi xuống cuối bảng xếp hạng. Vì thế có thể coi “Năm kỷ cương hành chính” của Hà Nội là một “nhiệm vụ kép”, không những làm trong sạch, nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức mà còn giúp Hà Nội cạnh tranh để cải thiện chỉ số PCI, góp phần thu hút đầu tư.
Hà Nội đưa ra các giải pháp nhằm xử lý cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. (Ảnh minh họa) |
Mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau về bảng xếp hạng PCI nhưng nếu nhìn vào con số thực tế thì “kênh” thu hút đầu tư ở Hà Nội đang thực sự có vấn đề.
Đề cập đến những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn chỉ ra rằng, ở một số nơi việc giải quyết khâu thủ tục hành chính còn chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí còn đùn đẩy, né tránh. Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức chưa chặt chẽ, dẫn đến một bộ phận trì trệ, quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu.
"Kỷ cương hành chính" của Hà Nội càng trở nên báo động khi chính Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị còn tỏ ra bức xúc khi chỉ soạn một bức thư trả lời cảm ơn lãnh đạo Thành phố Viêng Chăn (Lào) mà "thiếu một ngày nữa là tròn một tháng". Hay câu chuyện về "bôi trơn" khiến Bí thư Hà Nội không giấu nổi bức xúc khi doanh nghiệp phản ánh "những nơi khác có bôi thì trơn, còn ở Hà Nội bôi cũng không trơn".
Tuy vậy, sau nửa năm thực hiện Chỉ thị 01 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về “Năm kỷ cương hành chính”, kết quả ban đầu được Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đánh giá là đã có tác dụng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở những bộ phận có giao dịch với công dân.
Nhằm tiếp tục cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh lại ra văn bản yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện đẩy mạnh khâu cải cách hành chính.
Ông Khanh đề nghị các đơn vị phải hoàn thành đúng tiến độ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện đúng quy trình xây dựng, thẩm định, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị, loại bỏ chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản… Đồng thời cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Để loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, Hà Nội tổ chức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính cũng như thái độ, hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể như, Hà Nội sẽ công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử, đặt hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc. Đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, thẩm tra, xác minh, xử lý kịp thời và công bố công khai kết quả xử lý...
Có thể nói những giải pháp trên hoàn toàn không mới, địa phương nào cũng có thể "hô hào". Điều quan trọng là nó được thực hiện thế nào, xử lý ra sao? Một nửa chặng đường còn lại của năm sẽ cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc “cải cách thủ tục hành chính” ở mức độ nào!