Đề xuất thành lập lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh
Năm 2012 Chính phủ đã thành lập lực lượng Kiểm ngư Việt Nam và ngày 17/11/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2020, định hướng 2030.
Hiện tại, lực lượng Kiểm ngư cấp Trung ương gồm có Cục Kiểm ngư (trực thuộc Bộ NN&PTNT) và 05 Chi cục Kiểm ngư Vùng. Lực lượng kiểm ngư Trung ương có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển, tập trung trên vùng biển xa bờ.
Hiện nay ở cấp tỉnh có Chi cục thủy sản 28 tỉnh, thành phố ven biển được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản. Các cán bộ này đang làm nhiệm vụ như lực lượng Kiểm ngư, có nhiều rủi ro, môi trường sóng gió nhưng không được hưởng chế độ, chính sách như Kiểm ngư mà chỉ được hưởng chế độ, chính sách như công chức làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trên đất liền.
Như vậy, dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) không chỉ bổ sung thêm một Chương Kiểm ngư mà còn chuyển lực lượng Thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang Kiểm ngư.
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày trước Quốc hội, việc hình thành Kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện để triển khai nhiệm vụ, chỉ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho đội ngũ này như Kiểm ngư hiện tại khoảng 9 tỷ đồng/năm.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy, hiện có 3 luồng ý kiến về đề xuất này.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư trung ương như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh; nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư trong dự thảo Luật.
Lý do là Báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản chưa đánh giá kỹ về hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản cũng như lực lượng kiểm ngư. Vì thế, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là chưa phù hợp mà chỉ cần tăng nguồn lực, chế độ cho thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng.
Hơn nữa, các quy định về Kiểm ngư trong dự thảo Luật còn chung chung, khá đơn giản tuy về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư đã qua 04 năm triển khai thực hiện.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản tại các chi cục thủy sản; lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ do đang hoạt động theo Luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm, chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm Kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương. Chính phủ sẽ căn cứ tính chất, yêu cầu của từng địa phương để quy định thành lập lực lượng kiểm ngư tại một số tỉnh cho phù hợp, như tỉnh có bờ biển dài, có địa hình phức tạp, có lượng tàu thuyền hoạt động lớn,….
Việc chuyển đổi từ lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản sang kiểm ngư tại một số tỉnh có vùng biển đặc thù cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm biên chế, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 39.