Đề xuất đưa BHXH, an toàn giao thông vào hoạt động giám sát năm 2018
Hầu hết các nội dung được lựa chọn giám sát chuyên đề đều là những vấn đề bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, giám sát chuyên đề một số vấn đề gây bức xúc dư luận do Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội chủ trì lại chỉ được gửi báo cáo để ĐBQH nghiên cứu.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Quốc hội bố trí thời gian cần thiết để lựa chọn giám sát chuyên đề bức xúc do Hội đồng dân tộc và các Ủy ban giám sát để thảo luận tại Quốc hội.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi lấy ví dụ hiện nay tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) cần phải được thảo luận kỹ hơn tại Quốc hội.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi. |
“Chúng ta phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội, nhưng đến nay mới chỉ có 13,1 triệu lao động tham gia BHXH, tương đương 24,5% tổng lực lượng lao động. Như vậy mục tiêu của chúng ta khó có thể đạt được. Trong khi vấn đề nợ đọng BHXH và các vấn đề khác liên quan đến chính sách an sinh xã hội được người dân rất quan tâm,” Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Về chính sách giám sát đối với chính sách cho đồng bào dân tộc, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng mặc dù có nhiều chính sách nhưng tình hình đời sống còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 50% tổng số hộ nghèo của cả nước. Hiện có 20,8% dân số đồng bào dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không biết tiếng phổ thông, hoặc không đọc được tiếng phổ thông. Nếu giám sát, có thể căn cứ vào đó để báo cáo Trung ương và nghiên cứu xây dựng luật để phát triển đồng bào dân tộc và miền núi.
Đại biểu Hà Thị Lan, tỉnh Bắc Giang, cho rằng đời sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Vì vậy nên đưa nội dung việc thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2015 vào chương trình giám sát Quốc hội năm 2018.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, tỉnh Bình Định, cho rằng hiện nay số lượng người chết vì tai nạn giao thông vẫn còn cao, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.
“Không chỉ gần 9.000 người chết vì TNGT năm 2016, còn vài chục ngàn người khác phải gánh chịu hậu quả, đó là những đứa trẻ mồ côi không ai chăm sóc, những người chồng, người vợ phải khó khăn vượt qua giai đoạn này, nhưng người cha người mẹ sẽ sống như thế nào, còn 20.000 người bị thương vì TNGT hàng năm nữa,” ông Nguyễn Văn Cảnh nêu dẫn chứng.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh. |
Giải thích về nguyên nhân và thực trạng, báo cáo của UBTVQH có nêu thứ nhất là do ý thức người tham gia giao thông chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông; đặc biệt là sự hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số lái xe. Thứ hai là do công tác quản lý nhà nước trong chỉ đạo điều hành trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên.
Để nội dung giám sát chuyên đề được đầy đủ, phản ánh những bức xúc về tình hình trật tự ATGT hiện nay, ông Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung chuyên đề về đảm bảo trật tự ATGT thành việc thi hành pháp luật về đảm bảo ATGT, trong đó chú trọng đến hệ thống giao thông đô thị.
Các giải pháp hợp lý đã được thực hiện, nhưng tình hình giao thông đô thị vẫn phức tạp. Nếu phân bố giao thông không có tính hệ thống, trong thời gian tới giao thông đô thị sẽ khó chuyển biến tốt hơn vì phương tiện giao thông ngày càng nhiều, các dự án ngày càng mọc lên.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cảnh cho rằng trong việc thực hiện chính sách trật tự ATGT của Quốc hội, Quốc hội cần ra Nghị quyết về giải pháp cho giao thông đô thị có hệ thống, căn cứ trên khả năng ngân sách, có quyết định đầu tư vốn ngân sách hợp lý. Số tiền này sẽ được sử dụng hiệu quả hơn so với thực hiện các dự án đơn lẻ như hiện nay.