Đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Cần xem xét lại!
Nhiều người tỏ ra lo lắng trước đề xuất đánh thuế nhà của Bộ Tài chính. (ảnh minh họa) |
Đây là chia sẻ của ĐBQH, PGS. TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân) xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với bất động sản (BĐS) có giá trị khởi điểm 700 triệu với mức thuế xuất 0,4%.
Đánh thuế BĐS nhằm chống đầu cơ
PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, đánh thuế tài sản là một chính sách thuế mà ở rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tất nhiên đánh thuế là để tăng nguồn thu ngân sách nhưng đó không phải là mục tiêu chính của việc đánh thuế tài sản và BĐS. Mục tiêu chính của loại thuế này nhằm tạo ra sự điều tiết của xã hội đối với chính loại tài sản mà đặc biệt là những loại tài sản có số lượng hữu hạn.
Vì có số lượng hữu hạn cho nên nếu như không có chính sách đánh thuế sẽ dẫn đến tình trạng một số người nào đó sẽ chiếm hữu quá nhiều và làm mất cơ hội của người khác.
“Do vậy, người ta phải sử dụng chính sách về đánh thuế tài sản để điều tiết hành vi chiếm hữu tài sản của xã hội, đặc biệt những tài sản hữu hạn mà không phải vô hạn. Trong đó điển hình là BĐS. BĐS xác định là nhóm tài sản hữu hạn trong xã hội, đất đai không phải vô hạn, nhà cửa xây dựng nên cũng không phải vô hạn… Đấy là mục tiêu của đánh thuế tài sản ở trên thế giới người ta áp dụng ở mức phổ biến. Thậm chí ở trên thế giới người ta còn có biện pháp chống đầu cơ đối với BĐS mà mua đi bán lại trong thời gian ngắn thì mức thuế cao gấp nhiều lần. Tránh tình trạng trao tay mua đi bán lại”- ông Cường phân tích.
Đối với Việt Nam, PGS Hoàng Văn Cường cho biết, việc này cũng được đưa ra trao đổi rất nhiều và đứng về nguyên lý mọi người đều đồng tình với quan điểm phải có đánh thuế tài sản. Đặc biệt đối với BĐS, chúng ta thấy tình trạng mà giá BĐS ở Việt Nam leo thang rất cao, nhanh vượt quá mức thu nhập của người dân, vượt quá mức tăng trưởng kinh tế.
PGS. TS Hoàng Văn Cường (ĐBQH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) |
“Nếu so với thu nhập của người dân thì giá BĐS của Việt Nam đứng vào hàng cao nhất thế giới. Nguyên nhân chính của nó là do đầu cơ. Một số người có tiền sẽ đầu cơ giữ BĐS chờ nâng giá lên. Chính việc không có thuế nên người ta yên tâm cứ đầu cơ, lên giá có lợi. Cho nên việc đánh thuế vào tài sản trong đó có BĐS có tác dụng rất lớn đến việc tránh đầu cơ trong BĐS”- ông Cường nói.
Một lần nữa, vị đại biểu dân cử này nhấn mạnh, “đây là mục tiêu cơ bản phải nói đến. Chúng ta có thể nhìn thấy ngay hiện trạng của 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong … vừa mới khởi động thì các nhà đầu cơ đã nhẩy vào và đẩy giá đất lên cao gấp 10 lần… Tại sao lại có chuyện này? Là do họ có tiền đầu cơ giữ đấy, khi giá đất lên cao thì họ có lời. Trong trường hợp giá không cao thì họ cứ giữ lại cũng không chịu thuế … Do vậy tạo ra tình trạng đầu cơ”.
Cần xem xét lại mức khởi điểm đánh thuế BĐS
PGS Hoàng Văn Cường khẳng định, “việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản trong đó có BĐS đứng về mặt nguyên lý là phù hợp, là nên tính đến và nên làm”.
“Tuy nhiên việc Bộ Tài chính đề xuất mức khởi điểm là 700 triệu với mức thuế xuất 0,4% thì cần phải xem xét lại, cân nhắc kỹ.
Bởi vì với cách thu này làm cho phần lớn người đang sở hữu nhà rơi vào đối tượng phải nộp thuế trong khi họ không phải là những người đầu cơ, không phải là những người chiếm hữu quá nhiều tài sản của xã hội càng không phải là những người cần điều tiết”- ông Cường phân tích.
Do vậy việc áp mức thuế phải bắt đầu từ mức có hành vi “đang sử dụng vượt trên mức bình quân chung của xã hội”. Nếu chúng ta khó xác định được mức này thì việc xác định mức khởi điểm bắt đầu phải là ở mức thuế rất nhỏ không đáng kể chỉ thể hiện việc anh có trách nhiệm trong tài sản đó thôi chứ không phải ở ở mức tạo ra áp lực đối với người dân khi đang sở hữu tài sản rất thông thường.
Trả lời câu hỏi tại sao không đánh thuế đối với những người sở hữu từ ngôi nhà thứ hai mà không phải là giá trị ngôi nhà, ông Cường cho rằng việc đánh thuế vào ngôi nhà thứ hai cũng không phải hoàn toàn hợp lý.
Mặc dù có cảm nhận ngôi nhà thứ nhất là ngôi nhà thực tế cần thiết để ở, ngôi nhà thứ hai tạo ra tích lũy, đầu cơ… Nhưng trên thực tế, có thể những người có hai ngôi nhà thì tổng giá trị, tổng diện tích … có khi ít hơn người có một ngôi nhà. Một ngôi nhà nhưng diện tích, giá trị rất cao thì không thể nói là tạo ra công bằng xã hội giữa người sở hữu một ngôi nhà với hai ngôi nhà.
“Cho nên theo tôi cần đánh thuế theo diện tích, theo mức giá trị ngôi nhà là hợp lý và đảm bảo độ chính xác. Dựa trên tính giá khởi điểm áp thuế là bao nhiêu, có hành vi sở hữu nhiều hơn mức trung bình của xã hội”- ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra ông Cường cũng cho biết thêm, thuế đương nhiên tạo ra những nguồn thu cho ngân sách, nhưng không phải vì chi tiêu ngân sách thâm hụt mà nghĩ ra việc thu nhiều loại thuế hơn để bù vào thâm hụt ngân sách. Động cơ không phải như thế mà nguồn thu ngân sách phải nghĩ đến làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế tạo ra nhiều nguồn thu hơn. Thậm chí trên thế giới người ta còn chỉ ra rằng có nhiều loại thuế giảm thì nguồn thu ngân sách nhiều hơn… Cho nên ông Cường khẳng định “không phải vì thâm hụt ngân sách mà tăng các loại thuế. Ở đây không nên hiểu rằng tăng các loại thuế nhằm cân đối ngân sách”.