Đề xuất cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Công an nhân dân
Sáng nay (27/5), Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, dự thảo luật bổ sung quy định lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, tội phạm sử dụng công nghệ cao mới xuất hiện nhưng diễn biến ngày càng phức tạp... Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được thành lập từ năm 2010. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề nghị bổ sung lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với một số tội phạm có sử dụng công nghệ cao theo quy định của Bộ luật hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều ý kiến thẩm tra đồng tình bổ sung lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân |
Theo đó, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày; đồng thời điều tra, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Cơ quan điều tra chuyên trách.
Liên quan tới nội dung của dự thảo luật đề nghị bổ sung nghiệp vụ điều tra cho một số lực lượng như cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán… , Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay thường có địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trong khi đó, hoạt động của các cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này.
Một số ý kiến nhất trí việc bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Bởi vì đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, hiện các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách, điều này không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe tội phạm.
Nếu cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Kiểm ngư được giao một số hoạt động điều tra như: thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (không tiến hành điều tra toàn diện một vụ án hình sự) thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này; giảm tải cho các Cơ quan điều tra chuyên trách.