Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn: Kỹ năng giải quyết dạng câu hỏi đọc hiểu văn bản
Câu hỏi về kỹ năng đọc hiểu văn bản chiếm 20% - 50% trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10. Do vậy học sinh cần chú trọng rèn luyện và nâng cao kỹ năng này để đạt điểm cao khi làm bài thi.
Nhằm giúp học sinh đạt điểm cao đối với những dạng câu hỏi thuộc về kỹ năng đọc hiểu trong đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ tư vấn cho học sinh những kiểu câu hỏi chi tiết và cách làm đối với từng dạng bài.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên môn Ngữ văn |
Kỹ năng đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn gồm 2 dạng là đọc hiểu về tác phẩm văn học trong chương trình sách giáo khoa và đọc hiểu một văn bản nằm ngoài chương trình sách giáo khoa.
Thông thường học sinh sẽ gặp các câu hỏi về chi tiết trong tác phẩm, kiểm tra kiến thức tiếng Việt, các câu hỏi tích hợp kiến thức tiếng Việt và tập làm văn. Những câu hỏi này được xây dựng theo thang tư duy Bloom: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao.
Về câu hỏi đọc hiểu văn bản trong chương trình sách giáo khoa, học sinh cần lưu ý các kiểu câu hỏi sau đây:
- Chép thuộc lòng một đoạn thơ, bài thơ hoặc yêu cầu tóm tắt tiểu sử tác giả, nội dung một tác phẩm văn xuôi trong chương trình.
- Câu hỏi về hoàn cảnh ra đời, chủ đề tác phẩm.
- Nêu ý nghĩa nghĩa nhan đề của tác phẩm.
- Câu hỏi về tình huống truyện, ngôi kể, hoàn cảnh của nhân vật, các chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong truyện.
- Phân tích giá trị của biện pháp tu từ, từ loại trong một đoạn văn, đoạn thơ.
- Tìm và xác định thành phần trong câu.
- Xác định và phân tích được tác dụng của phương châm hội thoại, thành phần biệt lập, nghĩa tường minh và hàm ý… được sử dụng trong văn bản.
- Câu hỏi liên hệ với các tác phẩm cùng chủ đề hoặc với một vấn đề xã hội.
- Câu hỏi yêu cầu lí giải vấn đề.
Để ghi trọn điểm những dạng câu hỏi này học sinh cần nắm vững kiến thức về tác phẩm như thuộc lòng đoạn thơ, bài thơ, tóm tắt được tiểu sử tác giả hay nội dung chính một tác phẩm tự sự, tránh sa vào chi tiết vụn vặt.
Khi ôn truyện, lưu ý về nhân vật, ngôi kể, tình huống, chi tiết đặc sắc. Bên cạnh đó học sinh cần nắm chắc kiến thức tiếng Việt và tập làm văn để có thể nhận biết và phân tích được tác dụng của chúng trong tác phẩm.
Để việc ôn tập đạt hiệu quả học sinh nên kết hợp ôn tập kiến thức theo hệ thống bảng biểu, sơ đồ tư duy.
Về câu hỏi đọc hiểu văn bản nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, đây là dạng bài khá phổ biến trong đề thi môn Ngữ văn những năm gần đây. Học sinh cần lưu ý các kiểu câu hỏi sau đây:
- Hỏi về phương thức biểu đạt của văn bản.
- Câu hỏi về chủ đề của văn bản: Xác định nội dung chính của văn bản.
- Câu hỏi về biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản, nêu tác dụng của chúng.
- Câu hỏi về phép liên kết câu.
- Câu hỏi liên hệ với một vấn đề xã hội.
Với những câu hỏi đọc hiểu văn bản nằm ngoài chương trình sách giáo khoa yêu cầu học sinh cần nắm vững các kiến thức về phương thức biểu đạt của văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, văn bản hành chính - công vụ.
Song song với đó là các kiến thức về phép liên kết câu và liên kết đoạn văn, trong đó học sinh cần chú trọng cả liên kết nội dung và liên kết hình thức.
Ngoài ra học sinh cần chú ý tìm hiểu và cập nhật các vấn đề xã hội, nâng cao vốn hiểu biết để đáp ứng được yêu cầu của bài thi, vì xu hướng ra đề đọc hiểu trong những năm gần đây là tăng cường kiểm tra kiến thức thực tế, tạo điều kiện cho học sinh trình bày quan niệm, tư tưởng, suy nghĩ của bản thân.
Khi làm các dạng bài về kỹ năng đọc hiểu, để không bị mất điểm đáng tiếc, học sinh cần lưu ý và tránh mắc phải những sai lầm sau:
Lỗi về kiến thức, kỹ năng làm bài: Chưa xác định được yêu cầu của câu hỏi nên thường trả lời lan man, dài dòng mà không đúng trọng tâm và không đủ ý.
Lỗi về trình bày: Trả lời câu hỏi bằng gạch đầu dòng thay vì viết câu văn, đoạn văn.
Để tránh mắc phải những sai lầm này, khi làm bài học sinh cần đọc kỹ câu hỏi để xác định đúng yêu cầu của đề bài. Nên dựa vào tác phẩm văn bản để tìm ý cho câu trả lời, trả lời đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Bên cạnh đó cần chú ý diễn đạt đầy đủ, rõ ràng và logic.
Ngoài ra, cô Trang đặc biệt lưu ý học sinh, bên cạnh việc nắm chắc kiến thức của các tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa thì cần đọc sách, báo để cập nhật các vấn đề xã hội, nâng cao sự hiểu biết của bản thân. Song song với đó học sinh cần luyện các đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn thường xuyên để nâng cao kỹ năng viết.
Hoàng Thanh