Đề nghị ngăn chặn hành vi chuyển giá trong chuyển giao công nghệ
Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn, đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cho rằng quy định về thẩm định công nghệ nên được thiết kế theo hướng quy định từ khâu chủ trương đầu tư đến khâu quyết định đầu tư. Trong mỗi giai đoạn nên quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định cụ thể đối với hồ sơ và trình tự thẩm định đối với các dự án đầu tư công.
Đối với quy định về cấp phép chuyển giao công nghệ, theo quy định của dự thảo, các dự án đầu tư thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao đều phải được thẩm định cho ý kiến trong giai đoạn phê duyệt chủ trương và trong giai đoạn quyết định đầu tư.
ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho rằng cần có quy định chặt chẽ hơn để chống hiện tượng chuyển giá trong chuyển giao công nghệ. Thực tế, quá trình góp vốn bằng công nghệ trong các dự án đầu tư, công ty mẹ thường chuyển về công ty con, kê khai giá trị công nghệ cao hơn so với giá trị thực tế; công ty con chuyển giá trị đó về công ty mẹ dưới hình thức khấu hao, tạo ra hiện tượng “lãi thật lỗ giả” nhằm trốn thuế.
“Cần quy định rõ trong Điều 58, chương về quản lý nhà nước trách nhiệm chủ động phối hợp của các cơ quan như quy định Hải quan, Thanh tra, kiểm tra, giám định để phát hiện kịp thời, xử lý vi phạm đối với hành vi chuyển giá. Đồng thời đề nghị bổ sung hành vi cấm chuyển giá trong chuyển giao công nghệ,” đại biểu Phạm Đình Toản nói.
Khoản a Điều 27 Dự thảo luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã quy định một số trường hợp phải kiểm toán giá công nghệ. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Đình Toản cho rằng cần quy định đơn vị đủ điều kiện kiểm toán, vì đây là lĩnh vực khó và dễ hợp lý hóa.
ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên) kiến nghị ngăn chặn việc chuyển giá trong chuyển giao công nghệ. |
Mặt khác, dự thảo luật cũng quy định tổ chức thẩm định giá được quy định tại Luật giá. Tuy nhiên, hiện tại các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ định giá theo Luật giá đều đăng ký định giá công nghệ. Nhưng trên thực tế, hầu hết các tổ chức này đều chưa thực hiện dịch vụ định giá công nghệ, chưa có chuyên gia định giá chuyên nghiệp.
Do đó, đại biểu Phạm Đình Toản đề nghị cần quy định các điều kiện đặc thù ngoài các điều kiện chung đã được quy định như: số lượng, số năm kinh nghiệm của các thẩm định viên, chứng chỉ, bằng cấp, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phải được quy định luôn trong dự thảo luật.
Giải trình ý kiến của các đại biểu về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường chưa quán xuyến hết vấn đề thẩm định công nghệ, đăng ký hoạt động chuyển giao công nghệ. Một số luật cũng đã phải rà soát lại cho phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công,… đó là căn cứ thể hiện sự nhất quán trong tinh thần sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ lần này.
Về thẩm định công nghệ, các đại biểu cho rằng nên tránh việc nhiều cơ quan thẩm tra, gây khó khăn cho DN. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết sẽ quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan để tránh tình trạng này.