Đề nghị hải quan được quyền truy đuổi như cảnh sát
Về phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, một số ĐB đều tán thành với quy định cho phép lực lượng hải quan được quyền truy đuổi.
Theo ĐB Dương Ngọc Ngưu, đoàn Điện Biên, dự thảo Luật cần bổ sung thẩm quyền của lực lượng hải quan tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hàng hoá, phương tiện vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan.
Luật Hải quan sửa đổi quy định lực lượng hải quan được quyền truy đuổi phương tiện, hàng hóa trái phép.(Ảnh IT) |
Ông Ngưu cho rằng, nếu không thực hiện việc truy đuổi khi hàng hóa, phương tiện ra khỏi địa bàn hoạt động của hải quan sẽ không đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu. Tuy nhiên dự thảo cần quy định rõ trách nhiệm của các lực lượng phối hợp để bảo đảm không quy định chồng chéo giữa thẩm quyền của lực lượng hải quan với thẩm quyền của các lực lượng chức năng khác như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường…
Tỏ ra đồng tình với ý kiến trên, ĐB Đào Thị Xuân Lan, đoàn Hưng Yên, cũng cho rằng, trong thực tiễn có nhiều đối tượng vận chuyển hàng hóa vi phạm ra ngoài địa bàn hoạt động của hải quan. Tuy nhiên Luật hiện hành chỉ cho phép cơ quan hải quan quản lý ở trong địa bàn hoạt động của hải quan và nghị định của Chính phủ quy định cũng chưa thống nhất về ranh giới của địa bàn hải quan, dẫn đến thời tế thời gian qua đã để lọt nhiều đối tượng.
Bà Lan lý giải, mặc dù quy định như vậy nhưng không xảy mâu thuẫn với các lực lượng khác, bởi khi truy đuổi đối tượng, cơ quan hải quan đồng thời áp dụng các quy định để có sự phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan với nhau.
Tuy nhiên, để làm rõ trách nhiệm, cần quy định rõ các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp là những cơ quan, lực lượng nào. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm phối hợp của các lực lượng, cơ quan hữu quan thực hiện trách nhiệm phòng chống bâu lậu qua biên giới, để đảm bảo công tác phòng chống tội phạm trong thời gian tới có hiệu quả.
ĐB Trần Quang Chiểu, đoàn Nam Định, cũng cho hay, ranh giới giữa trong và ngoài địa bàn hoạt động của hải quan là gần nhau, do đó, cần thiết phải quy định tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hàng hoá, phương tiện vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đề cập đến mô hình tổ chức, ĐB Ngô Thị Minh, đoàn Quảng Ninh, cho rằng, cần sắp xếp lại mô hình tổ chức hải quan theo yêu cầu công việc cụ thể.
Theo ĐB Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng, dự thảo chưa xác định rõ vị trí pháp lý của hệ thống tổ chức hải quan trong hệ thống cơ quan Nhà nước. Ban soạn thảo cần xác định rõ vị trí pháp lý của hệ thống tổ chức hải quan trong luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng lực lượng, bổ nhiệm người đứng đầu, xác định thẩm quyền và vai trò của cơ quan hải quan…
Liên quan đến trách nhiệm kiểm tra hàng hoá, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan, ĐB Nguyễn Cao Phúc, đoàn Quảng Ngãi, cho rằng, việc kiểm tra đối với hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành. Bởi trên thực tế hiện việc này đang theo kiểu mạnh ngành nào ngành đấy làm, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Dự thảo cần quy định rõ cơ quan hải quan chủ trì và các cơ quan liên quan cử cán bộ biệt phái đến làm việc tại cơ quan hải quan để cùng thực hiện việc kiểm tra hàng hóa tương tự mô hình của một số nước Mỹ, Australia, New Zealand.
“Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo mới chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan hải quan mà chưa quy định trách nhiệm giám sát của của cơ quan chuyên ngành. Do đó cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành trong giám sát hàng hóa ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan để thực hiện kiểm tra mẫu, như vậy mới phân định rõ trách nhiệm” – ĐB Trần Quang Chiểu đề nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Trọng Thương, đoàn Bắc Ninh, cũng cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cho phép đưa hàng ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm của cơ quan hải quan đối với hàng hóa trong khu vực.
Trong trường hợp hàng đang chờ kết quả của cơ quan chuyên ngành nếu doanh nghiệp có nhu cầu mang hàng về kho bãi bảo quản nhằm tiết kiệm chi phí thì cơ quan hải quan cho phép mang hàng về nếu kho bãi đủ điều kiện.