Để báo chí tiến kịp cùng thời đại bùng nổ thông tin
Ngày nay, khi mạng xã hội càng ngày càng phát triển và trở nên phổ cập, mỗi người dân đều có thể là một nhà báo, vừa là phóng viên vừa là tổng biên tập trang mạng của mình, cạnh tranh với các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp trên mặt trận thông tin.
Vì thế, thông tin trên mạng xã hội rất nhanh nhạy. Trong những hoàn cảnh cụ thể, truyền thông xã hội tạo nên trào lưu dư luận mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia.
Truyền thông xã hội kết nối tạo ra một làn sóng biểu tình như vũ bão dẫn đến Cách mạng Hoa Nhài ở Trung Đông năm 2010 – 2011 mà các lực lượng cảnh sát hay quân đội không thể ngăn chặn, dẫn đến sự sụp đổ các chính thể ở Tunisia, Ai Cập, Libya và làm rung chuyển nhiều chính thể khác ở khu vực này.
Khách quan mà nói, truyền thông xã hội tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ như vậy là vì ở những quốc gia trên đây lâm vào tình trạng mất dân chủ kéo dài, bất công xã hội sâu sắc, làm cho người dân bất bình tột độ. Trong xã hội như vậy, chỉ cần một mồi lửa là bạo loạn bùng phát dữ dội.
Gần đây, truyền thông xã hội đã kêu gọi được hàng trăm nghìn người xuống đường tham gia các cuộc biểu tình của phe “Áo vàng” ở Pháp. Mục tiêu của những người biểu tình ở Pháp khác về bản chất so với bạo loạn ở Trung Đông, họ không hề đòi lật đổ chế độ mà là phản đối chính sách thuế khóa của chính phủ.
Biểu tình là chuyện khá bình thường ở các nước phát triển vì biểu tình là một trong những quyền cơ bản của người dân; là hình thức nhân dân bày tỏ thái độ, nguyện vọng tập thể với chính phủ. Và đây cũng là tấm gương phản chiếu về chủ trương, chính sách của nhà nước, để có sự điều chỉnh phù hợp.
Có thể khẳng định, trên thế giới có một số tờ báo hoặc một bộ phận trong các trang mạng xã hội có tư tưởng cực đoan gây chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo; kích động hận thù; truyền bá lối sống trái với thuần phong mỹ tục … Song tựu trung, báo chí và truyền thông xã hội đóng vai trò nòng cốt, có vị trí vô cùng to lớn trong việc đấu tranh cho dân chủ, công bằng, tiến bộ xã hội của nhân loại.
Thời đại bùng nổ thông tin thì báo chí bị cạnh tranh rất nhiều. |
Báo chí, với trọng trách là truyền tải thông tin sự kiện, phát hiện vấn đề, phản biện xã hội, tạo dư luận xã hội đã có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội tích cực và chống tiêu cực, được xã hội yêu quý và tôn vinh như một quyền lực - Quyền lực thứ tư - Quyền lực tạo dư luận xã hội.
Hòa cùng xu thế của nhân loại, ở Việt Nam, báo chí và truyền thông xã hội đóng một vai trò rất quan trọng trong trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Điều dễ thấy nhất và được nhân dân ghi nhận là vai trò to lớn của truyền thông xã hội và báo chí là hạt nhân trong đấu tranh chống các vấn nạn tham nhũng; mua quan bán chức, cả nhà làm quan, cả họ làm quan; gian lận thi cử; tình trạng tàn phá tài nguyên, môi trường; làm hàng giả, hàng nhái; tình trạng tín dụng đen, bảo kê; suy đồi về đạo đức …
Trước tình trạng vòi tiền, đòi chung chi trong công tác thanh tra, kiểm tra thì phần lớn các vụ việc thuộc các vấn nạn nêu trên đều do báo chí, mạng xã hội phát hiện để các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kết luận, xử lý theo pháp luật.
Ví dụ như vụ xe cá nhân của Trịnh Xuân Thanh mang biển số xanh, các nhà nhà báo đã khơi mào ra một đại án tham nhũng; việc thăng tiến thần tốc của “hot girl” ở Thanh Hóa đã lôi ra ánh sáng những quan chức nâng đỡ “không trong sáng”.
Báo chí đã phát hiện và tố cáo hàng loạt vụ ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp gây ra, điển hình là các vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường dòng sông Thị Vải,…
Hay như phóng sự điều tra chỉ mặt, vạch tên các ông trùm bảo kê chợ Long Biên (Hà Nội) đầu năm 2019 của Đài truyền hình Việt Nam; phóng sự điều tra những tăng ni, phật tử lợi dụng đời sống tâm linh để trục lợi ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), tháng 3/2019 của Báo Lao động.
Để đấu tranh cho công bằng, lẽ phải; cho một xã hội dân chủ, văn minh; cho Việt Nam hùng cường, rất nhiều nhà báo đã không ngại khó khăn, không sợ hiểm nguy đã xả thân vì nghề báo.
Tuy nhiên trong không ít sự kiện, sự việc công luận rất quan tâm nhưng báo chí chính thống nhiều lúc đi sau mạng xã hội mà nguyên nhân không phải do đội ngũ nhà báo kém nhanh nhạy mà là do cơ chế quản lý và vận hành của nó.
Thẳng thắn mà nói báo chí chính thống có mặt, có lĩnh vực, có sự kiện chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của công chúng trong thời đại bùng nổ thông tin, thời đại mà thắng thua trong truyền thông được phân định bằng việc là ai cung cấp thông tin khách quan, chính xác, trung thực và nhanh nhất.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra những khó khăn của báo chí Việt Nam: “Báo chí hiện nay đứng trước những thách thức rất lớn, thông tin rất nhiều, chạy đua thông tin tính bằng giây, không phải chỉ trong một ngành, một địa phương mà toàn cầu. Nhiều như vậy nhưng vẫn phải kịp thời, chính xác. Thách thức đó rất lớn. Chúng ta là báo chí cách mạng, phải định hướng, trong khi các thông tin không chính thống ngoài xã hội thì rất nhiều và hấp dẫn. Trong khi đó, không ít cơ quan chính quyền, các đơn vị đúng ra phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo giới thì cũng làm chưa tốt”.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải băn khoăn, trăn trở: “Đáng tiếc là nhiều sự kiện gần đây, báo chí chúng ta đưa tin quá chậm. Nhiều sự kiện được người dân cả nước quan tâm nhưng báo chí đưa tin chậm tới cả mấy ngày. Như vậy là rất không nên là thua kém trước mạng xã hội.”
Bàn về hệ lụy do sự chậm trễ của báo chí trong nước, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh niên cho rằng: "Chừng nào mà hệ thống thông tin, báo chí chính thống còn lẽo đẽo theo sau mạng xã hội thì ngày đó vẫn còn là thảm họa của sự nhiễu loạn thông tin và tất yếu, nó sẽ dẫn đến những hệ lụy của một xã hội không thể tạo được niềm tin cho dân chúng”.
Nhận định của ông Nguyễn Công Khế là có cơ sở. Trong một số sự kiện nóng, khi người dân muốn có thông tin cập nhật thì hệ thống báo chí chính thống không cung cấp kịp thời, trong khi trên mạng xã hội những thông tin đó lan tràn.
Không những thế, nhiều thông tin không đáng bí mật nhưng các báo chính thống vẫn không đăng, nên mọi người phải tìm đến mạng xã hội, vì ở đó những thông tin gọi là bí mật luôn đầy rẫy và rất cập nhật. Chỉ có điều không ít thông tin của mạng xã hội bị bóp méo, thậm chí xuyên tạc theo những dụng ý khác nhau.
Mặt khác ở Việt Nam, chức năng của báo chí được xác định vừa là tiếng nói của Đảng vừa là diễn đàn của nhân dân. Nhưng thực tế hai vế này chưa cân bằng, hài hòa. Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, “Vế thứ hai báo chí chúng ta làm chưa tốt” và “Chúng ta cần có tỷ lệ cân bằng để thông tin đáp ứng cả hai chiều vì dân và vì Đảng”. Rồi ông đưa ra ví dụ của người để ngẫm về nền báo chí của chúng ta.
Ông kể: “Một lần tôi sang Úc và hỏi Bộ trưởng Truyền thông, ai quản lý báo chí. Họ bảo không có cơ quan nhà nước nào quản lý báo chí, dân quản lý báo chí. Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện. Nhà nước xử nghiêm.
Để phát huy tối đa nhiệt huyết và tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ nhà báo và để tăng cường vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực thì cơ chế quản lý, vận hành báo chí phù cần phù hợp hơn với thời đại. Chỉ có như vậy báo chí Việt Nam mới có thể làm chủ trên mặt trận thông tin và bắt kịp với thời đại bùng nổ thông tin.