Đề án Chính quyền đô thị: “Chúng ta không xin tiền mà xin cơ chế”
Ông Mai Quốc Bình, nguyên Phó Tổng thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM |
Theo ông, việc xây dựng CQĐT không chỉ mang lại sự đổi mới cho Thành phố (TP), mà còn là một mô hình để Trung ương (TW) nghiên cứu vì nó có tác động chung trên cả nước.
“CQĐT phải là một động lực thúc đẩy đất nước phát triển chứ không đơn thuần là việc chuyển đổi một bộ máy từ cũ sang mới.”
Do vậy TP Cần phải có một báo cáo tổng kết mang tính chuyên đề để làm rõ những nội dung thuộc về cơ chế quản lý, trong đó nêu rõ vì sao các động lực về con người và cơ sở vật chất chưa được phát huy tốt.
Từ đây sẽ nhận dạng rõ hơn sự kìm hãm là do cơ chế quản lý, do sự kém năng động của cấp dưới, hay do đội ngũ cán bộ chưa chuyển tải được công việc. Ông Bình cũng cho rằng nếu không tìm ra được nguyên nhân thì rất có thể đề án này sẽ bị TW bác bỏ.
Buổi góp ý với sự tham gia của nhiều cán bộ cao cấp đã từng ở vị trí lãnh đạo TP.HCM |
Ông cũng đề nghị trong khi chờ đợi thông qua các bước về chính quyền đô thị thì thành phố có thể chuẩn bị bước vào thực hiện các phần việc có liên quan đến CQĐT để chứng minh cho khả năng của chính mình.
“Chúng ta không xin đồng tiền, mà xin cơ chế để thực hiện trên một số lĩnh vực nào đó, như cơ chế tạo vốn đầu tư bằng quy hoạch, bằng đất đai nhà xưởng, hay sự liên kết đầu tư” – ông Bình nhấn mạnh.
Cũng trong buổi góp ý nêu trên nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ với đề án này, tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng còn một số vấn đề cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện thêm.
Thể hiện sự băn khoăn về cơ cấu tổ chức CQĐT, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND đặt câu hỏi, làm sao để cán bộ gần dân, sát dân khi 4 thành phố mới (Đông, Tây, Nam, Bắc) có diện tích lên tới gần 750km2 được xác định là cấp cơ sở?