ĐBQH Trần Du Lịch: Tại sao phải "ăn mắm giòi" để cho con học đại học?
Ngày 13/10 đoàn ĐBQH TP.HCM tiếp tục có buổi tiếp xúc với cử tri tại quận 3. Trong buổi làm việc này, các ý kiến tiếp tục tập trung vào các vấn đề “nóng” hiện nay như xây dựng pháp luật, chính sách bảo hiểm, tình trạng tham nhũng…
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 13/10. |
Liên quan đến vấn đề xây dựng luật một số cử tri cho rằng các bộ luật ban ra nhưng phải chờ nhiều văn bản hướng dẫn khiến cho thời gian đi vào cuộc sống khá lâu.
Về vấn đề này Đại biểu Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, hiện nay không còn đạo luật nào mà hiệu lực thi hành phải chờ văn bản hướng dẫn. Chính phủ chỉ được hướng dẫn điều khoản nào mà trong luật ghi rõ rằng “Chính phủ hướng dẫn thi hành”, ngoài ra không còn hướng dẫn gì nữa.
“Tôi lấy ví dụ về Luật Đầu tư: Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được ghi rõ trong phụ lục, không cần hướng dẫn thêm gì nữa. Hiện nay đã không còn tình trạng “luật khung”, “luật ống”. Bây giờ Chính phủ nợ là nợ một số nghị định liên quan điều khoản hướng dẫn thôi” – ông Trần Du Lịch nói.
Tuy nhiên ông Trần Du Lịch cho biết “rất tiếc” vì qua kiểm tra, kiểm soát tại các địa phương thì thấy khi được dân hỏi cán bộ vẫn quen trả lời rằng “Chính phủ chưa hướng dẫn” dù luật có hiệu lực rồi.
“Ngay cả TP.HCM cũng vậy. Thật sự là có cần hướng dẫn đâu, cứ thế thi hành thôi, nhưng mà theo thói quen cấp quận thấy TP chưa hướng dẫn nên để đó, TP chưa thấy Trung ương hướng dẫn nên cũng cứ để đó. Đấy là vấn đề chúng ta cần phải thay đổi trong bộ máy” – ông Lịch nhấn mạnh.
Với các ý kiến chỉ trích chính sách về bảo hiểm, ông Lịch cũng “xin nói thẳng với bà con cử tri” là không có nước nào GDP bình quân đầu người dưới 2.000 USD mà làm được bảo hiểm y tế toàn dân. Do vậy “chúng ta cố gắng làm nhưng trên thực tế còn có nhiều bất cập, tuy nhiên ta vẫn phải cố gắng”.
Khung cảnh buổi tiếp xúc cử tri |
Đề cập đến chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay mà cử tri phản ánh, ông Lịch cho rằng nó đang gây lãng phí nguồn lực của xã hội rất lớn và một trong những việc cần làm để chấm dứt tình trạng này là thay đổi tư tưởng của chính người dân.
“Bây giờ chúng ta còn 200.000 người tốt nghiệp đại học không có việc làm, trong khi các ngành nghề đang thiếu lao động. Quê tôi ở Bình Định, mỗi năm con em vào đây học đại học rồi tốt nghiệp về gần 5.000 cháu. Tôi hỏi cái tỉnh này làm gì mỗi năm tạo được chỗ làm cho 5.000 người tốt nghiệp đại học?” – ông nói.
Tiếp tục lấy ví dụ tại công ty may Nhà Bè, ông Lịch cho biết công ty này tuyển 1.500 công nhân thì 1/3 là người đã tốt nghiệp đại học nhưng phải về quê vì không có việc làm.
“Cha mẹ phải bớt đi tư tưởng phải là đại học. Ông bà đã nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cái “nghệ tinh” này đâu phải là đại học. Tại sao phải khổ sở nhịn ăn, ở quê tôi gọi là từ “ăn mắm giòi” để cho con học đại học, trong khi học trường dạy nghề ra có thể làm việc, có lương ngay?” – ông đưa ra câu hỏi.
Đồng tình với các ý kiến của cử tri cho rằng Quốc hội cần chú trọng vấn đề “tam nông”, ông Lịch khẳng định trong hội nhập hiện nay thách thức lớn nhất không phải dệt may, da giày mà là vấn đề nông nghiệp, nông dân.
“Ngành chăn nuôi thì chúng ta toàn nhập thức ăn và bị các công ty nước ngoài nắm thị phần chi phối hết. Chúng ta làm sao cạnh tranh khi trái bắp trồng trong nước là 6.500 đồng nhưng khi nhập về từ Trung Quốc, từ Mỹ sau khi cộng hết các loại thuế chỉ có 5.400 đồng?”. Ông Lịch phân tích và đưa ra nhận định: “Bây giờ chúng ta dùng thuế để bảo hộ trong nước, nhưng càng bảo hộ thì càng không phát triển được”.
Về yêu cầu của các cử tri đề nghị không bỏ án “Tử hình” đối với tội “Tham nhũng”, ông Lịch cũng đồng ý rằng “trong điều kiện Việt Nam mà bỏ tử hình là không ai đồng tình và tôi tin rằng Quốc hội sẽ không bỏ tử hình đối với tội danh này trong kỳ họp tới”.
Nói đến vấn đề nhân sự của Quốc hội, ông Lịch thẳng thắn cho rằng: “Tôi nói thật hiện nay các ĐBQH được trang bị phương tiện làm việc rất tốt, trong điều kiện đất nước còn nghèo mà như vậy thì không còn gì chê trách được. Thậm chí cái ghế còn xoay qua xoay lại được cho đỡ mỏi, mỗi người đều được trang bị một hệ thống nối mạng, không thiếu thứ gì. Vấn đề là con người, anh có làm được hay không? Nếu không làm được hãy áy náy với dân!”.