ĐBQH TP.HCM "giục" Sở Văn hóa cung cấp hồ sơ nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM phát biểu tại cuộc họp. |
Theo ông Khuê, khi thông tin về Nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm được công bố, nhiều cử tri đã đặt ra câu hỏi rằng “có vội quá không?”, bởi đến lúc đó họ vẫn chưa thấy được hình hài nhà hát. “Con số 1.500 tỷ đó dựa trên cơ sở nào?" – ông Khuê nói.
Ông cũng nhận định rằng trong đợt họp Quốc hội bắt đầu từ đầu tuần sau sẽ không tránh khỏi nhắc tên Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm. Do vậy “chậm nhất 16h ngày mai Sở Văn hóa – Thể thao phải cung cấp đầy đủ, toàn vẹn về công trình để đoàn cung cấp cho các ĐBQH, phục vụ ngay trong tuần họp đầu tiên”.
Tương tự ông Khuê, ĐBQH Nguyễn Phước Lộc cũng yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản về nhà hát cho đoàn ĐBQH, bởi “khi đoàn khác hỏi chúng ta phải có chính kiến, phải phân công đại biểu giải trình về vấn đề này”.
Trong khi đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết, nhiều năm qua người dân đã bức xúc về các vấn đề như ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước…, vì vậy khi có thông tin về nhà hát họ đã phản đối, dù đây không phải là chuyện lớn.
“Nếu không giải quyết những bức xúc này thì như chủ trương “Thành phố thông minh” đến khi triển khai cũng bị ảnh hưởng. Đề nghị Ủy ban lưu ý tác động dây chuyền của những vấn đề cử tri đang bức xúc” – ĐB Nghĩa nói.
Trước đó, HĐND TP.HCM đã thông qua đề án xây dựng nhà hát Giao hưởng – Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm với kinh phí 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên ngay sau đó dự án này đã nhận được những ý kiến trái chiều về hiệu quả đầu tư và thời gian xây dựng.
Trong khi những người phản đối cho rằng thành phố cần chú trọng đến những vấn đề thiết thực với cuộc sống như giảm ngập, tăng đường giao thông, hạn chế kẹt xe, hay bồi thường cho người dân tại Thủ Thiêm… thì những người ủng hộ cho rằng đây là công trình cần thiết bởi không ít người có nhu cầu thật sự về nhà hát này.
Trước các luồng ý kiến trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây “hai chuyện hoàn toàn khác nhau”. Việc xây dựng nhà hát không ảnh hưởng gì đến việc bồi thường cho người dân. Hai cơ chế khác nhau và đảm bảo không vì nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho dân!
Người đứng đầu Thành ủy cũng đưa ra số liệu cho thấy nhiệm kỳ 2016 – 2020 thành phố đã chi tiền xây trường học và bệnh viện là 34.000 tỷ, gấp gần 23 lần tiền xây nhà hát. Còn nếu so với tổng chi ngân sách của 3 khóa gần đây là 355.000 tỷ thì tiền xây nhà hát chiếm 0,4%