ĐBQH tỉnh Điện Biên: Cần sớm có Luật hỗ trợ phát triển khu vực miền núi
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13/06, đã có một số ĐBQH chất vấn giải pháp nào để cuộc sống đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, “tư lệnh” ngành nông nghiệp chỉ đưa ra được câu trả lời chung chung, chưa có giải pháp nào cụ thể, thực sự thuyết phục.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói: “Hiện nay có những chính sách gián tiếp, có những chính sách trực tiếp cho đồng bào vùng cao. Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vùng cao, lãnh đạo các địa phương trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp khu vực này”.
Ngay cả Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn khi trao đổi bên hành lang Quốc hội cũng không đưa ra được giải pháp cụ thể nào. Ông cho biết: “Vùng cao phải có chính sách riêng, vì ở đó thổ nhưỡng và khí hậu khác với đồng bằng, diện tích đất cũng khác, trình độ, kiến thức, tay nghề, kỹ năng cũng khác. Để ra chính sách cụ thể phải khảo sát và quy hoạch ở những nơi trồng cấy, chăn nuôi. Ví dụ như trồng rừng, nếu đầu tư quan tâm thì rừng sẽ tạo ra vàng”.
Trong khi đó, là một người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở vùng núi đá huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, ông Mùa A Vảng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tỏ ra am hiểu rất rõ về con người và vùng đất nơi đây. Trao đổi với PV Infonet, ông Vảng đã chia sẻ những giải pháp cụ thể, tâm huyết nhằm thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đó là làm sao phải thay đổi nhận thức của đồng bào, tạo công ăn việc làm cho họ từ chính những cánh đồng, mảnh nương để họ có thu nhập bền vững.
“Cá nhân tôi đề nghị đưa chương trình giám sát chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sau đó sẽ nghiên cứu ban hành luật hỗ trợ phát triển khu vực miền núi, ban hành chính sách tập trung, thực sự tác động, thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc miền núi”.
Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. |
ĐBQH Mùa A Vảng cho biết, hiện nay về cơ sở hạ tầng đã được đầu tư lớn, nhưng đời sống của người dân vẫn còn hết sức khó khăn. Do vậy, chính sách cho đồng bào nơi đây phải là một chính sách mang tính lâu dài, tập trung hỗ trợ cho người dân, thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất, từ đó tạo thu nhập bền vững cho người dân, xây dựng nông thôn mới.
“Những hỗ trợ mang tính nhỏ lẻ trước mắt từ cộng đồng, có thì cũng tốt, nhưng đó không phải là giải pháp lâu dài” ĐBQH Mùa A Vảng nói, “Tôi muốn thay đổi nhận thức của người dân và muốn tạo công ăn việc làm cho người dân từ những cánh đồng, mảnh nương của đồng bào để họ có thu nhập bền vững. Những hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, các nhóm thiện nguyện và doanh nghiệp chỉ là nhất thời, giống như mình đang đói người ta cho bữa sáng, bữa ăn đó chỉ giải quyết được trong ngày hôm nay thôi. Còn lại cả năm, cả tháng thì làm sao người dân phải tự lo được. Đấy mới là mục tiêu chúng ta hướng tới.”
Một số ĐBQH bày tỏ lo ngại đồng bào các dân tộc thiểu số đang bị “Kinh hóa”, bản sắc văn hóa bị mai một trong quá trình hội nhập và phát triển. Ông Mùa A Vảng cho biết không nên quá lo về việc bản sắc văn hóa bị mai một, những hủ tục của đồng bào sẽ dần loại bỏ, những gì tốt đẹp sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế cũng cần phải luôn giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Theo ĐBQH Tống Thanh Bình (Lai Châu), bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển dân tộc thiểu số và miền núi còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém, sự trùng lặp về cơ chế, nội dung của các chính sách đã và đang thực hiện cần được khẩn trương quan tâm, xem xét, khắc phục trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ là kênh thông tin đánh giá quan trọng để phục vụ cho công tác xây dựng hoàn thiện Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.