ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai: Nói đến sử dụng người tài lại ngao ngán
“Dưới góc độ địa phương, cơ sở, tôi nghĩ người tài không phải là người có cái gì cao siêu quá, mà là người có nhân phẩm tốt, có tính cách tốt và có kỹ năng tốt…. trong công việc, vị trí mình được giao. Người tài hiểu đơn giản như vậy.
Còn tài năng thật sự - gọi là thiên tài thì lại khác. Nhân tài là người bình thường trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đầy người tài nhưng làm sao chọn cho đúng… bố trí cho phù hợp, đúng với sở trường của người đó để họ phát huy tốt nhất sở trường của họ, theo tôi điều đó chúng ta nên nghĩ và bàn”, bà Mai nói.
Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai |
Theo đại biểu đến từ đoàn Trà Vinh, hiện cơ chế của chúng ta chưa lọc được, chưa chọn được để bố trí cho phù hợp. Đào tạo một đường, sử dụng một nẻo. Tuyển dụng cũng vậy còn nhiều cái bất cập.
“Điều 6, luật Cán bộ công chức hiện nay có sửa đổi nhưng cũng chưa làm rõ được khâu sử dụng và tuyển dụng như thế nào”, bà Mai nói và đưa ra dẫn chứng ở Nhật. Họ tổ chức kỳ thi trên phạm vi toàn quốc đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi. Nếu đỗ loại 1 được làm ở Trung ương, loại 2, 3 làm ở tỉnh, huyện.
“Người ta phân loại rất rõ. Theo tôi, việc tuyển dụng người tài nên làm một cách minh bạch, công khai. Làm thế nào để mọi người kiểm soát được chứ không phải một nhóm người trong hội đồng làm và ra câu hỏi, tự chấm, tự làm để rồi có chuyện mờ ám cũng không ai biết được. Đó là vấn đề mà mọi người khi nói đến sử dụng người tài họ lại ngao ngán”, bà Mai nhấn mạnh.
Trên thực tế, theo bà Mai, người tài cũng không muốn đi làm công ty nước ngoài, không muốn ra nước ngoài làm việc nhưng “cơ chế sử dụng cán bộ của chúng ta chưa làm cho họ cảm thấy được trọng dụng, nên những người có tài, thực sự sáng tạo họ không thích làm nhà nước”.
Vì thế, bà Mai kiến nghị “nên có cơ chế chính sách cụ thể rõ ràng minh bạch, công khai để mọi người tiện theo dõi. Trong đó, cần có cơ chế thi tuyển công bằng, cách thi như thế nào, ra đề như thế nào để khi làm xong người ta biết ngay có đạt hay không chứ không cần phải chạy chọt, thế này thế kia”.
Trước đó, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng Điều 6 nêu khái niệm người có tài năng nhưng đọc lên thấy khái niệm mang tính chất chung chung.
“Như đang mở đường cho người gian lận thi cử để được đánh giá là người có tài năng, tạo kẽ hở hết sức nguy hiểm. Bởi họ là người có điều kiện về kinh tế, sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng để mua điểm, được tuyển dụng hợp pháp vào cơ quan nhà nước. Và từ đó gia đình sẵn sàng bỏ thêm tiền để họ ổn định công việc và đi lên...”, bà Khánh nói.
Do đó, đại biểu Đoàn Hà Nội kiến nghị, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải nghiêm túc nghiên cứu kỹ quan điểm của Bác Hồ về người có đức, có tài là cán bộ công bộc của dân, phải "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", phải cụ thể hóa ra để có định lượng cụ thể về người có tài trong hoạt động công vụ.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) cho rằng nếu cứ quy định “có năng lực vượt trội” là người có tài năng thì rất có thể có cửa đưa công chức “5c” (con cháu các cụ cả) vào hưởng chính sách chế độ đãi ngộ.
“Với tư cách là người đứng đầu cơ quan tổ chức, theo tôi điều cần nhất đánh giá với cấp dưới và người lao động là ý thức trách nhiệm trong công việc. Công chức có xuất chúng, có tài năng nhưng không có ý thức trách nhiệm thì không để làm gì cả”, ông Cương bày tỏ.