ĐBQH phải dám lên tiếng để "một đốm lửa đốt cháy cả cánh rừng"
Đầu tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Nhân dịp năm mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa về những năm tháng gắn bó của ông với nghị trường và những vấn đề cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Do bài phỏng vấn quá dài nên chúng tôi tách ra làm 3 phần để bạn đọc dễ theo dõi.
- Thưa ông, ngoài các hiện tượng như ông đã đề cập, hiện nay có tình trạng, tại các kỳ họp QH cuối khóa, một số ĐBQH sắp hết nhiệm kỳ thường phát biểu rất mạnh bạo. Ông nói sao về điều này?
Đây cũng có hai lý do. Thứ nhất là cơ hội. Anh chuẩn bị về hưu không còn cái gì để mất nữa, chuẩn bị hạ cánh. Còn nếu từ đầu nhiệm kỳ, sợ còn một số năm công tác ảnh hưởng đến công việc, lợi ích cho nên không phát biểu nhưng đến cuối nhiệm kỳ không còn gì để mất anh phát biểu để thể hiện mình là con người thế này thế kia… Người ta cũng biết ngay đó là động cơ không tốt, là cơ hội.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp do càng về cuối nhiệm kỳ kinh nghiệm người ta được đúc kết và sự mạnh bạo tăng lên và lúc đó có những cái bức xúc cả nhiệm kỳ dồn nén, thấy không chuyển biến và không tác dụng cũng làm cho người ta không chịu được nữa và phải thốt lên.
Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông |
- Ông từng là một đại biểu QH phát biểu nhiều và truy đến cùng những vấn đề được nêu ra. Vậy các đại biểu cùng khóa nói thế nào về những vấn đề ông nêu ra? Có ai nói với ông rằng “ông Cuông ơi phát biểu vừa cho tôi nhờ”?
Cũng có người góp ý, họ bảo vấn đề này, tiêu cực thì cả xã hội, nêu lên giải quyết được vấn đề gì hay một số ĐBQH cũng nói nhiều nhưng có biến chuyển đâu, hay khổ lắm biết rồi nói mãi…
Tuy nhiên, tôi bảo trách nhiệm của ĐBQH thì hãy phản ánh ý kiến của lòng dân, còn mình không nói lên tiếng nói của người dân người ta sẽ băn khoăn nghi ngờ. Tại sao người ta phản ánh với đại biểu như thế mà đại biểu lại ngậm miệng ăn tiền. Lại không có ý kiến gì? Vậy đi tiếp xúc cử tri kêu gọi người dân phản ảnh làm gì?
Là đại biểu mình phải phản ánh trung thực nhất ý kiến của người dân còn người ta có tiếp thu không, có xem xét giải quyết không lại là vấn đề khác. Tôi bảo với họ rằng, một cánh én có thể không làm nên mùa xuân nhưng một đốm lửa có thể đốt cháy cả cánh rừng. Một vài tiếng nói của tôi có thể lạc lõng, không tạo nên áp lực mạnh nhưng vấn đề đó đụng chạm vào ai cũng sẽ lôi thôi.
Ví dụ đụng chạm vào ông Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang, sau bị cách chức, miễn nhiệm hết chức vụ như thế nhiều người cũng thấy sợ vì anh có tật giật mình, cũng nhắc nhở cảnh báo họ. Nếu không có ai nhắc nhở họ, họ càng lấn tới ngày càng vi phạm nhiều nhưng còn một vài người người ta vẫn dám nói thế thì cũng nhụt chí.
- Quốc hội sắp bước sang nhiệm kỳ mới, ông kỳ vọng gì về QH khóa mới?
QH là một dòng chảy liên tục, mỗi khóa đều có cái thành tích riêng, đổi mới riêng. Khóa XI, XII chúng tôi tham gia cũng có đổi mới, kết quả riêng. Khóa XIII cũng để lại dấu ấn tốt.
Mỗi khóa đều để lại dấu ấn thành quả riêng, để lạ kinh nghiệm hay sự đổi mới riêng của từng khóa. Nhưng các khóa nó tạo ra dòng chảy liên tục, khóa sau kế thừa thành quả khóa trước nên tôi vẫn tin tưởng mặc dù vẫn còn hạn chế và biểu hiện này kia nhưng quy luật phát triển của xã hội và cuộc sống sẽ tác động đến suy nghĩ của ĐBQH. ĐBQH được Đảng cử dân bầu thì bản thân đại biểu phải đủ lực để đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và ý nguyện của người dân.
Tôi tin khóa Quốc hội mới, người dân sẽ sáng suốt chọn lựa được nhiều đại biểu tiêu biểu, các đại biểu phát huy được truyền thống, kinh nghiệm hoạt động của các khóa trước sẽ hoạt động tốt hơn.
Trước đây rất ít những đại biểu phát biểu thẳng thắn, quyết liệt do người ta cũng sợ sẽ bị ảnh hưởng đến vai trò nhưng qua các khóa QH thấy nhiều đại biểu QH phát biểu thẳng thắn, quyết liệt nhưng không bị ảnh hưởng gì lớn mà còn sống tốt trong lòng dân. Mặc dù nghỉ hưu nhưng người dân vẫn nhắc cho nên các đại biểu cũng không sợ, nên người ta vững tin để phát biểu thẳng thắn, có chất lượng.
Tôi vẫn tin mặc dù có đại biểu thế này thế kia nhưng số đông vẫn có dũng khí, bản lĩnh, tinh thần trí tuệ, tinh thần trách nhiệm để chuyển tải ý kiến của lòng dân lên diễn đàn QH, theo dõi giám sát để cho các ý kiến của dân vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Chúc ông và gia đình năm mới an khang, hạnh phúc!