ĐBQH: "Nhiều đại biểu ngại phát biểu do tâm lý sợ sai, xấu hổ"
Thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 vào chiều 31/05, ĐBQH Quàng Văn Hương, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đã phát biểu như trên khi nói về chất lượng ý kiến tham gia vào các dự thảo cũng như việc tiếp thu của Ban soạn thảo.
“Theo tôi đây không phải là vấn đề mới với Quốc hội. Vấn đề này đã được nêu ra nhiều lần nhưng đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu thì thấy có một số vấn đề đề nghị xem xét,” ĐB Quàng Văn Hương nói.
Theo ĐB Hương, ý kiến tham gia của các đại biểu phụ thuộc rất nhiều vào các văn bản chuẩn bị của Ban soạn thảo. Nhiều đại biểu mới tham gia lần đầu nên không nắm được nội dung luật, cũng không phải chuyên ngành, trong khi văn bản lại nhiều.
ĐBQH Quàng Văn Hương, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La. |
Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh nêu thực trạng Quốc hội gửi nhiều tài liệu cho các đại biểu trong thời gian ngắn trước khi đại biểu nghiên cứu tham gia phát biểu. Chỉ trừ những đại biểu có kinh nghiệm lâu năm và hiểu biết trong lĩnh vực mình đã tham gia còn có ý kiến chất lượng, đối với những đại biểu trẻ, mới tham gia lần đầu sẽ còn có những hạn chế. Do đó, cần những chuẩn bị kĩ hơn, tốt hơn để làm sao các đại biểu có những tiếp cận và có ý kiến hay.
“Vẫn còn các hạn chế trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu,” ông Quàng Văn Hương nói. “Đó là việc gửi văn bản chậm, thời gian gấp, nội dung nhiều và có thể nói đại biểu dành một thời gian rất ngắn để nghiên cứu. Do đó, tâm lý của đại biểu là cố gắng làm sao chọn được một lĩnh vực để mình tham gia phát biểu, và cũng cố gắng làm sao bấm nút nhanh để bài phát biểu của mình không trùng với bài phát biểu của người khác. Việc chuẩn bị trước các nội dung này, tôi đề nghị cũng cố gắng làm sao khắc phục được tình trạng vừa rồi và gửi sớm”.
Ông Quàng Văn Hương cũng nêu thực trạng còn một số dự án luật khi chuẩn bị nội dung cũng chưa được tốt, chưa bóc tách được nội dung nào là cũ, nội dung nào là mới, nội dung nào cần điều chỉnh. Thậm chí, một số dự án luật, văn bản dự thảo mặc dù qua một số hội nghị, nhưng việc tiếp thu chưa hết nên còn một số lỗi kĩ thuật về câu, từ, về hình thức. Điều đó cho thấy chất lượng của việc tiếp thu còn có một số điểm chưa được tốt.
“Tôi đề nghị trong các kỳ họp tới, các cơ quan soạn thảo chủ động gửi các văn bản sớm hơn. Những nội dung đã được tiếp thu, giải trình cũng nên nêu cụ thể hơn trong các báo cáo và gửi kèm theo dự thảo văn bản luật để các đại biểu chủ động nghiên cứu khi còn ở địa phương và tranh thủ ý kiến khi lấy ý kiến tại các hội nghị ở cơ sở.”
Ông Hương cũng bày tỏ mong muốn ban tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến các dự án luật cần cố gắng gửi tài liệu sớm cho các đại biểu khi mời đại biểu đến tham gia, cũng như văn bản chuẩn bị kỹ hơn, để đại biểu đến dự “không phải bố trí lồng ghép đi chơi mà đến để tham gia ý kiến”, làm sao vừa học hỏi cũng đồng thời tham gia ý kiến tiếp cận dự án Luật ngay từ ban đầu.