ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: “Nhiều cơ quan đang phát triển hàm Vụ trưởng”
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đề nghị có quy định về hàm Vụ trưởng (Ảnh: ND) |
Bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương – nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ trao đổi với Infonet về con số hơn 300 trường hợp được bổ nhiệm cấp hàm mà Bộ trưởng Nội vụ nêu ra tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Câu chuyện "lạm phát" cấp phó được nhắc đến nhiều trong những ngày qua và ngay cả tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ. Vậy theo ông để xảy ra "lạm phát" cấp phó, trách nhiệm thuộc về ai?
Bây giờ đổ hết tất cả cho Bộ Nội vụ cũng không hoàn toàn chính xác. Vì Bộ này chỉ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ để đưa ra một số giải pháp thôi.
Việc tôi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ là vấn đề liên quan đến bổ nhiệm ồ ạt ở một số đồng chí lãnh đạo, mà Bộ trưởng có nhận định nguyên nhân do người đứng đầu không gương mẫu.
Nhận định này, tôi nghĩ hoàn toàn đúng, nhưng có điều đặt ra nếu chúng ta chỉ hoàn toàn trông chờ vào sự gương mẫu của người đứng đầu thì bao giờ đạt được? Làm sao ngăn chặn được tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu?
Việc này cũng chỉ gợi ra như để Chính phủ nghe thấy tiếng nói của ĐBQH, của cử tri như vậy để có những giải pháp chung, để quản lý công tác tổ chức cán bộ. Còn Bộ Nội vụ cũng chỉ biết tham mưu cho Chính phủ, ban hành các văn bản về điều kiện tiêu chuẩn cũng như trình độ năng lực để bổ nhiệm thôi.
Cũng liên quan đến bổ nhiệm cấp phó Bộ trưởng Nội vụ cũng nói sắp tới có quy định “cứng”, cũng là một cái tốt. Tuy nhiên bên cạnh cái cứng cũng phải có cái “mềm”, vì một số ngành có đặc thù riêng nên phải có quy định riêng. Nếu như tất cả quy định “cứng” hết thì cũng sẽ ảnh hưởng tới cái chung.
Tuy nhiên Bộ trưởng Nội vụ cũng nói do chưa tìm được tiếng nói chung nên giờ vẫn chưa thể đưa ra một quy định gì. Vậy theo ông sẽ phải tháo gỡ việc này ra sao?
Điều này rơi vào một số ngành đặc thù. Tôi nói ví dụ ngành ngoại giao chẳng hạn. Đây là ngành cứ nói 8 thứ trưởng, nhưng đã có khoảng một nửa trong số đó đi làm đại sứ ở các nước có yêu cầu hàm thứ trưởng.
Rồi bên cạnh đó có hàng chục vụ phó, nhưng các đồng chí lại đi luân chuyển, đi làm đại sứ ở các nước về, rồi chờ để đi nhiệm kỳ khác. Bây giờ chỉ cứng nhắc 3 phó thôi thì làm thế nào? Trong khi yêu cầu luân chuyển hàng năm rất lớn. Chúng ta không thể đưa chuyên viên đi làm đại sứ được mà phải đưa cấp vụ đi.
Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng nêu ra con số với hơn 300 trường hợp hàm cấp vụ, cấp phòng dù chúng ta không có quy định về điều này. Ông nhìn nhận đánh giá thế nào về thực trạng này?
Tôi cho rằng cần có giải pháp về việc bổ nhiệm hàm. Vì hàm chỉ là trong trường hợp anh đã từng giữ chức vụ đó, đến lúc chuyển sang một cơ quan mới mà không có vị trí như vậy thì tôi giữ cho anh hàm như vậy thôi.
Còn về vấn đề bổ nhiệm vụ phó chẳng hạn, ở nơi đó có vụ trưởng rồi mà lại bổ nhiệm lên hàm vụ trưởng, mà hàm vụ trưởng lại không phải chức danh quản lý. Bổ nhiệm hàm vụ trưởng nhưng anh lại chỉ làm như một chuyên viên thì tôi nghĩ cái đó rất không hay. Thực tế nhiều cơ quan đang phát triển cái này, tôi nghĩ không nên chút nào cả.
Theo Bộ trưởng Nội vụ công bố thì hiện có hơn 300 trường hợp đang giữ cấp hàm, còn theo ông trên thực tế thì thế nào?
Tôi không biết về con số cụ thể, cũng không bình luận về con số, mà tôi nghĩ việc này cần phải có quy định, làm sao cho nó chặt chẽ. Vì như Bộ trưởng đã trả lời, dù không có quy định nào về hàm cả, nhưng các cơ quan nhà nước cứ thực hiện việc bổ nhiệm.
Cũng có lý do đưa ra là việc bổ nhiệm hàm để đi làm việc ở địa phương cho thuận tiện hơn. Theo ông lý do này có thực sự thuyết phục?
Tôi không đồng tình với lý giải đó. Khi làm việc thì người ta vì công việc, thực thi nhiệm vụ được giao chứ không phải ông cứ phải là vụ trưởng thì mới xuống làm việc được với lãnh đạo địa phương.
Xin cảm ơn ông!