ĐBQH: Người bị oan không cần yêu cầu, Nhà nước phải xin lỗi và bồi thường
Giam oan là 4 năm nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ 5 phút
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, trong thời gian vừa qua, mặc dù số lượng các vụ án oan chiếm tỷ lệ rất, rất ít trên thực tế các vụ án đã giải quyết, song hậu quả gây ra là rất nghiêm trọng.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) |
Đại biểu Thủy cũng góp ý thêm về việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan, theo dự thảo, tại các điều 4, 41 và 56, xin lỗi công khai người bị oan là một khâu nằm trong quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường.
Và theo đó, nếu như người bị oan có yêu cầu bồi thường thì thủ tục xin lỗi công khai mới được diễn ra. Nếu như người bị oan không yêu cầu bồi thường thì việc xin lỗi công khai sẽ không diễn ra.
Cách đặt vấn đề như dự thảo là chưa phù hợp bởi 2 lẽ.
Thứ nhất, theo ĐB Thủy gốc của vấn đề ở đây là cơ quan của nhà nước đã làm oan cho người vô tội. Việc người bị oan có yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất hay không đó là một việc khác. Nhưng việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan là trách nhiệm mà nhà nước phải làm mà không phụ thuộc vào người bị oan có yêu cầu hay không yêu cầu.
Thứ hai, trong tố tụng hình sự, để phát hiện tội phạm, pháp luật trao cho các cơ quan tố tụng được quyền áp dụng nhiều biện pháp có tính cưỡng chế rất mạnh. Nếu áp dụng đúng sẽ có tác dụng tìm ra tội phạm. Nếu áp dụng sai đối tượng thì hậu quả gây ra rất nặng nề.
Ví dụ, chưa cần phải chờ đến khi có bản án oan, phải ngồi tù oan, mà ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng, nếu cơ quan tố tụng khởi tố oan môt người, bắt giam họ, tiến hành khám xét chỗ ở, còng tay dẫn đi trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng thì tổn thương gây ra đối với họ, gia đình họ là lớn biết nhường nào.
Nếu chúng ta đặt vấn đề phải có yêu cầu bồi thường mới tổ chức xin lỗi, không có yêu cầu bồi thường thì việc xin lỗi công khai không diễn ra là không đúng với đạo lý của vấn đề.
Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị cần quy định rõ trong luật mọi trường hợp oan, cơ quan tố tụng có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai người bị oan, không phụ thuộc vào việc họ có yêu cầu hay không yêu cầu.
Về trình tự thủ tục xin lỗi, cần quy định rõ trong dự thảo này mà không giao cho Bộ Tư pháp hướng dẫn như quy định trong dự thảo bởi vì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xin lỗi mang tính hình thức như trong thời gian vừa qua là do luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này, dẫn tới có những trường hợp thời gian giam oan là 4 năm nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ là 5 phút, đã khiến người bị oan bật khóc ngay khi chủ toạ tuyên bố kết thúc buổi lễ.
Vấn đề thứ hai theo ĐB Thủy là khoản thiệt hại mà nhà nước bồi thường cho người bị oan. Theo dự thảo, từ các điều từ 23 đến 27, có 5 nhóm thiệt hại mà nhà nước sẽ bồi thường cho người bị oan. Tuy nhiên, dự thảo đặt ra nguyên tắc là nhà nước chỉ bồi thường khi người bị oan có yêu cầu.
“Quy định như vậy là không phù hợp vì có những thiệt hại liên quan đến việc bị giam oan, bị tù oan, thậm chí là tử hình oan.
Điều 27 quy định mỗi ngày bị giam oan, tù oan được tính ương ứng với 5 ngày lương cơ sở, tức 275.000 đồng. Trường hợp đã tử hình oan, thì được tính tương ứng với 360 tháng lương cơ sở. Tôi cho rằng đây là những thiệt hại nghiêm trọng nhất, trực tiếp nhất do việc làm oan gây ra.
Nếu đặt vấn đề phải có yêu cầu mới bồi thường, không có yêu cầu không bồi thường là không thực tâm, thực lòng mong muốn bù đắp cho người bị oan. Do đó, ĐB đề nghị đối với những thiệt hại quy định tại điều 27 của dự thảo cần quy định đây là những khoản mà đương nhiên nhà nước sẽ bồi thường cho người bị oan, không cần họ có yêu cầu” – ĐB Thủy nhấn mạnh.
Thu hẹp cánh cửa của người dân đối với bồi thường nhà nước
Đồng tình với điều này, ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, có một vướng mắc lớn nhất hiện nay mà dự thảo Luật bồi thường của Nhà nước chưa giải quyết được, đó là cơ chế, căn cứ giải quyết những hạn chế còn tồn tại của luật cũ.
Tại dự thảo quy định và nguyên tắc đã thu hẹp rất nhiều cánh cửa của người dân đối với bồi thương nhà nước nhất là đối với lĩnh vực hành chính. Một lĩnh vực rất là rộng lớn, có những công đoạn gây thiệt hại cho người dân.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) |
“Theo báo cáo đã nêu có hàng chục nghìn vụ việc tố cáo hàng năm nhưng số việc yêu cầu được bồi thường nhỏ, đặc biệt đối với lĩnh vực hành chính rất nhỏ. Tôi cho rằng chưa phản ánh đúng. Đây là nguyên nhân vướng mắc.
Vướng mắc ở 3 nội dung, việc giải quyết phải tuân theo 3 công đoạn. Thứ nhất công dân muốn bồi thường phải thực hiện khiếu nại hành vi hành chính cho rằng trái pháp luật gây thiệt hại, kết quả này phải ra được 1 văn bản. Sau đó mới đến giai đoạn hai sau khi có kết quả ở giai đoạn 1, công dân mới yêu cầu khởi kiện bồi thường cũng chỉ được đến cơ quan gây thiệt hại. Giai đoạn thứ 3 không thương lượng đi đến thống nhất được mới có quyền khởi kiện ra tòa án.
“Tôi cho rằng rất ít người không đủ sức theo cả 3 giai đoạn. Thường là ở giai đoạn thứ nhất đã nản lắm rồi, không đủ sức để đến giai đoạn 2 và rất ít người theo được đến giai đoạn 3. Tôi cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến rất ít các vụ được xử lý chứ chưa chắc là nền hành chính của chúng ta tốt, không có chuyện gây thiệt hại” – ĐB Xuyền nói.
Giải trình trước những ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích thêm, phải xác định rõ, đây là luật về quy trình thủ tục. Cách tính thiệt hại, thời gian, đây không phải là nội dung cho nên không nói đúng sai, không xác định các loại tài sản, không xác định việc tại sao lại oan, tại sao lại sai mà chỉ điều chỉnh phạm vi quan hệ của nhà nước với công dân.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nói thêm, về phạm vi điều chỉnh ví dụ như vì hố ga, cây đổ gây chết người thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước đến đâu thì phải chứng minh được. Còn thông thường giữa các doanh nghiệp rồi thực thể nào đấy mà không trực tiếp mà gây thiệt hại thì cũng không phải đối tượng điều chỉnh mà chuyển sang bồi thường dân sự.
Ông Long cho biết, những quan hệ được điều chỉnh bởi luật khác thì có thể dẫn chiếu sang luật này, vì vậy, phải có văn bản để căn cứ đúng sai, giải quyết bồi thường chứ không phải xem xét xem đúng sai thế nào. Trường hợp nào xác định nhà nước sai hoàn toàn thì chủ động xin lỗi, chủ động bồi thường, còn theo luật này thực hiện theo nguyên tắc dân sự, nên người có quyền thì phải chủ động yêu cầu. Ban soạn thảo tiếp cận vấn đề trên quan điểm này.
Còn việc thương lượng thì đây là quá trình được thực hiện ở rất nhiều nước, còn việc khởi kiện ra tòa ngay thì vẫn có thời gian hòa giải, tức là thực chất vẫn là thương lượng. Còn thời gian đại biểu phàn nàn là quá dài, thì đúng là dài thật, nhưng nếu trải qua tất cả những quá trình này theo đề nghị của đại biểu (khởi kiện ngay ra tòa) thì chắc gì đã nhanh hơn.
“Chúng tôi đồng ý hoàn toàn với quan điểm là nhà nước đã sai là phải bồi thường, nhưng mà phải có căn cứ, việc liệt kê các phạm vi đối tượng bồi thường là đã căn cứ các luật khác” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói.