ĐBQH lo ngại "vô hiệu hóa" pháp luật về doanh nghiệp
ĐBQH đề nghịkhông được phân biệt, đối xử giữa DN nhà nước và tư nhân |
Góp phần hoàn thiện hơn dự thảo luật, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật doanh nghiệp mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại.
Luật doanh nghiệp từ năm 2005 đã cho thấy một “bức tranh khác”. Với quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều các thủ tục và “giấy phép con, cháu, chắt” quy định trong các văn bản hướng dẫn và triển khai ở các cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật doanh nghiệp đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần.
“Tôi lo ngại tình trạng vô hiệu hóa pháp luật về doanh nghiệp sẽ không giảm bớt thậm chí còn có nguy cơ gia tăng”. ĐB Lộc đề nghị Luật doanh nghiệp phải được ưu tiên áp dụng so với các pháp luật chuyên ngành. Ngoài ra, để quyền tự do kinh doanh không bị lạm dụng, Luật doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý tới các quy định về hậu kiểm đối với doanh nghiệp.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quyền tự do kinh doanh là quyền con người được hiến định, do vậy danh mục này phải được ban hành kèm với luật này.
Bên cạnh đó, định kỳ Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung và trình danh mục ra Quốc hội, nhưng chỉ điều chỉnh danh mục, như thế mới bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, tránh thường xuyên điều chỉnh các ngành nghề cấm và các điều kiện kinh doanh.
Liên quan đến thành phần doanh nghiệp nhà nước, ĐB Nghĩa cho rằng, Hiến pháp quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Do vậy cần làm rõ doanh nghiệp nhà nước phải chấp hành luật này, không được phân biệt, đối xử, không được vi phạm các cam kết quốc tế.
Theo ĐB Nghĩa, quy định cho doanh nghiệp nhà nước trong cùng một luật có cái lợi là nâng cao tính minh bạch, thuận tiện cho việc áp dụng tra cứu, thuận tiện cho việc giải quyết tranh chấp và cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ cần cầm một cuốn luật, họ đã có tất cả các loại hình doanh nghiệp ở đây. Song, ông Nghĩa đề nghị, nếu không xây dựng chương riêng thì cũng phải có những điều khoản thể hiện rõ Luật doanh nghiệp này là luật chung cho các loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước là một trong các loại hình doanh nghiệp, do đó phải chấp hành luật chung này.
Về vấn đề quy định đặc thù, theo ĐB nên đưa vào các luật khác, nhưng có những quy định đưa thẳng vào luật này cũng rất tốt, cũng rất thuận tiện. “Nếu như không làm một chương riêng thì vẫn phải quy định chứ không thể tránh né, chia cắt các luật có khi chưa tốt, nếu có xung đột thì khó giải quyết” – ĐB Nghĩa nói.
Nhận định dự thảo luật có rất nhiều điểm mới, nhiều điểm tiến bộ so với luật năm 2005, ĐBQH Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, giảm bớt rất nhiều thủ tục cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên ông Ngoạn cũng chỉ ra một số điểm bất cập, điển hình là việc quản trị doanh nghiệp (tại điều 138) với công ty cổ phần. Công ty được chọn mô hình quản trị đa hội đồng khi có 30% thành viên hội đồng quản trị không điều hành và có ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị. Như vậy, trong trường hợp này, các thành viên không điều hành sẽ thực hiện giám sát và kiểm soát hoạt động quản lí và điều hành.
ĐB Ngoạn cho rằng, quy định này chưa phù hợp với bối cảnh của kinh tế thị trường, đặc biệt khi thị trường tài chính, chứng khoán phát triển thì có những doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp lớn có hàng vạn, hàng trăm ngàn nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, tức là nhà đầu tư thứ cấp, do vậy cần phải có những chế định để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hài hoà giữa lợi ích của các cổ đông lớn, nhỏ. Tránh tình trạng các cổ đông lớn tham gia hội đồng quản trị, điều phối, chi phối các hoạt động của công ty vì lợi ích nhóm, không đảm bảo lợi ích của các cổ đông nhỏ, dẫn đến tình trạng gây bất an cho xã hội.
Về mối quan hệ công ty mẹ-con và mối quan hệ của tất cả các thành viên trong nhóm đều theo mối quan hệ kinh tế, tức quan hệ đối vốn. Tuy nhiên, theo ĐB Ngoạn, việc cho phép có vốn điều lệ “không ổn”. Ví dụ công ty mẹ ra lệnh cho công ty con A phát hành trái phiếu, ra lệnh cho công ty con B mua trái phiếu của công ty A. Hậu quả sẽ dẫn đến những tổn thất, tranh chấp về mặt tài chính. Công ty mẹ không liên quan trực tiếp đến mặt vốn, không thể quy định công ty mẹ chịu trách nhiệm gì như trong dự thảo luật này.
ĐB Vũ Viết Ngoạn cũng đề nghị phải làm rõ và trách nhiệm của công ty mẹ trong quan hệ công ty con theo hướng “mọi quyết định của công ty mẹ đối với công ty con, dù đó là mối quyết định trực tiếp liên quan đến tài chính, hoặc không liên quan đến tài chính thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đều phải chịu trách nhiệm hậu quả quyết định của mình”.