ĐBQH Lê Nam: "Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 sẽ tốt hơn"
ĐBQH Lê Nam - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã có cuộc trao đổi với PV về góc nhìn của mình đối với lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... và kỳ vọng vào cuộc bầu cử Quốc hội khóa mới.
- Thưa ông, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII đã đi tới ngày làm việc cuối cùng. Ông đánh giá ra sao khi có những vị trưởng ngành nhận được tỷ lệ phiếu bầu không cao trong lần bầu kiện toàn bộ máy Chính phủ?
Kỳ họp lần này chúng ta này đã hoàn thành được chương trình kiện toàn bộ máy nhà nước, mặc dù trước đó cũng có những băn khoăn nào đó. Nhưng khi thực hiện đúng chương trình, có kết quả tốt. Phần lớn nhân sự Đảng giới thiệu đều được Quốc hội đồng tình, được đánh giá đồng thuận cao.
Tất nhiên chúng ta cũng thấy, có những đồng chí phiếu rất là cao, nhưng cũng có những đồng chí phiếu không cao lắm, có đồng chí khoảng 40% không tán thành, đồng nghĩa với hàng trăm ĐBQH có ý kiến khác. Điều đó cho ta thấy tính dân chủ trong việc xem xét công tác nhân sự.
ĐB Lê Nam - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá |
Tôi nghĩ đó cũng là thông tin cực kỳ quan trọng làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý cán bộ đánh giá, theo dõi, giúp đỡ những đồng chí vừa được kiện toàn. Tôi nghĩ, những đồng chí vừa được Quốc hội bầu có phiếu chưa cao cũng là thông tin rất tốt trong để các đồng chí đó tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân phân công.
- Trong kỳ họp này, lần đầu tiên những người đứng đầu nhà nước tuyên thệ trước Quốc hội. Ông nghĩ sao về những lời tuyên thệ này?
Rất tốt! Nghi thức tuyên thệ cơ bản được. Đây là lần đầu tiên thực hiện nghi thức, nhưng tôi nghĩ nhà tổ chức tính toán làm sao đầy đủ, trang nghiêm hơn như khi tuyên thệ thì các ĐBQH nên đứng dậy.
Nội dung tuyên thệ, ý nghĩa của tuyên thệ thì rất là tốt. Đó là cam kết của những đồng chí đứng đầu đối với đất nước, đối với Quốc hội, đối với cử tri. Người ta sẽ không bao giờ quên những điều mà những người đứng đầu Nhà nước đã tuyên thệ.
Như các đồng chí đó tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Hiến pháp thì sau này trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện vai trò của mình, thì các đồng chí đó phải luôn luôn nhớ rằng Hiến pháp đã quy định như vậy thì không được làm trái Hiến pháp về quyền con người, kinh tế, chính trị, văn hóa…
- Có ý kiến cho rằng, lời tuyên thệ “Trung thành với Tổ quốc, trung thành với Hiến pháp” thì bất cứ một người dân nào cũng thực hiện nên lời thề của những người đứng đầu nhà nước phải thể hiện những vấn đề riêng?
Tôi không nghĩ như vậy! Một nguyên thủ quốc gia, một người đứng đầu nhà nước thì lời tuyên thệ của họ không thể sa vào những vấn đề cụ thể được. Lời tuyên thệ của họ ở mức độ cao hơn rất nhiều so với những người dân bình thường.
Ví dụ, một công dân bình thường có thể tuyên thệ trung thành với Hiến pháp nhưng không ai có thể kiểm soát được họ có trung thành với Hiến pháp hay không. Và việc trung thành Hiến pháp của họ có ý nghĩa ở một cá nhân nào đó thôi.
Nhưng với một nguyên thủ quốc gia, lời tuyên thệ trung thành với Hiến pháp thì nó liên quan đến cả một quá trình bảo đảm thực thi nhà nước pháp quyền và trách nhiệm của họ trước cử tri, trước đất nước, trước nhân dân.
Chúng ta biết rằng, trong nhà nước pháp quyền bất cứ ai điều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Vừa rồi, cử tri cũng mong điều đó lắm. Vì luật thì nhiều mà rất nhiều luật đâu có được thi hành đâu. Cho nên, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ thì rất tốt, chúng ta không thể so sánh điều đó với một công dân bình thường được.
- Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đã đi gần hết chặng đường của mình. Là một ĐBQH khoá XIII, còn có điều gì khiến ông lo lắng, kỳ vọng vào nhiệm kỳ Quốc hội tới?
Tôi thấy nhiệm kỳ sau, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Quốc hội có nhiệm vụ rất nặng nề. Hôm nay chúng ta đã nhìn thấy những khó khăn, nhưng có những khó khăn tôi nghĩ sang năm hoặc sang năm nữa mới bộc lộ bên cạnh những thuận lợi. Tôi rất chia sẻ với những đồng chí Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ tới.
- Ông có thể nêu cụ thể hơn những khó khăn mà nhiệm kỳ Quốc hội tới sẽ phải đối mặt?
Ví dụ như đấu tranh phòng, chống tham nhũng chẳng hạn. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn. Trước nay cứ nói “bước đầu phòng chống được tham nhũng…”, nhưng cứ bảo bước đầu mãi thì đến bao giờ mới bước giữa? Đó là điều cực kỳ nặng nề.
Hay vấn đề nợ công, ngân sách quốc gia, bộ máy nhà nước nó cồng kềnh đến mức như thế. Giải quyết bằng cách nào? Nói thì dễ nhưng thực hiện là đụng đến chúng ta đấy, đến con chúng ta, đến em chúng ta đấy. Đó là những đề rất khó, nhưng phải tìm cách tháo gỡ ra làm sao. Những trăn trở đã được gửi lại và đã được nói ở trên nghị trường rồi. Tôi tin, bộ máy mới, những người lãnh đạo mới, sẽ tìm cách để giải quyết.
- Còn điều gì ông muốn gửi gắm tới các ĐBQH nhiệm kỳ tới?
Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 sẽ tốt hơn, vì ĐBQH chuyên trách nhiều hơn. Những người ăn lương Quốc hội, toàn tâm toàn ý phục vụ công tác chuyên trách, công tác Quốc hội, thì chắc chắn sẽ điều kiện, thời gian thì sẽ cống hiến cho Quốc hội tốt hơn. Tất nhiên ĐBQH chuyên trách tốt hơn, thì chất lượng của Quốc hội cũng sẽ cao hơn như đúng mong đợi.
Mình làm chuyên trách Quốc hội thì cũng phải toàn tâm toàn ý cho Quốc hội, thực hiện mong đợi của cử tri. Mỗi người khác nhau, 500 đại biểu thì có tính cách, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi luôn nghĩ đất nước mình nhiều người tài, giỏi bất kỳ lĩnh vực nào, tôi tin như thế.
Nhiệm kỳ Quốc hội mới sẽ có nhiều người tài giỏi, nhiều người có dũng khí và đủ khả năng thực hiện xuất sắc vai trò ĐBQH theo mong đợi của cử tri.