ĐBQH bàn chủ đề "nóng" liên quan tình hình Biển Đông
Góp ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ sự lo lắng về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo ông, có 3 loại cấu trúc đảo thì có bãi đá nửa nổi, nữa chìm với đặc trưng nước lớn bị lấp, nước cạn nổi lên. Trong lịch sử đã có tranh chấp đổ máu và các chiến sĩ của ta đã hy sinh để giành lại bãi đá này. Hiện nay, Trung Quốc âm mưu biến các bãi đá không có lãnh hải thành có lãnh hải 12 hải lý. Cho nên, nếu dự thảo luật không đưa cấu trúc bãi đá, bãi chìm thì làm sao nói người ta vi phạm. ĐB Nghĩa đề nghị cân nhắc tới việc quy định này vào dự thảo luật.
Một điểm nữa khiến ĐB Nghĩa băn khoăn là quy định trong dự thảo luật về “hải đảo bao gồm hải đảo có người và không có người ở” sẽ dễ rơi vào tình trạng các bãi đá không có lãnh hải. Như thế, khi xảy ra tranh chấp sẽ rất khó phân định chủ quyền.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung khái niệm cấu trúc bãi đá, bãi chìm, bãi san hô.... vào dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường và biển đảo |
Đồng tình với ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, nhiệm vụ của luật này là quản lý, khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên biển bền vững, nên không có vấn đề gì nếu chúng ta đưa vào các khái niệm về bãi đá, bãi ngầm, bãi san hô. Ở Trường Sa, ngoài phần đảo nổi còn có rất nhiều bãi nửa chìm, nửa nổi, bãi đá, bãi san hô…
“Tôi cho rằng, khi đưa các khái niệm này vào trong luật chính là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo một cách hài hòa. Đồng thời, cũng không có mâu thuẫn gì với Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982”- ĐB Trường nói.
Và chỉ có quy định chặt chẽ như vậy, ĐB Trường nhắn nhủ, chúng ta mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi kể cả ở trong nước và nước ngoài gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền, chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta.
Tha thiết đề nghị bổ sung khái niệm bãi đá, bãi đá ngầm, bãi đá san hô vào dự thảo luật, ĐB Trường nhắn nhủ, chúng ta mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi kể cả ở trong nước và nước ngoài gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền, chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta.
Nhất là gắn với bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc đổ hàng vạn khối bê tông xuống biển, nếu có quy định chúng ta hoàn toàn có quyền lên án họ đang làm biến dạng môi trường biển đảo, ảnh hưởng đến tài nguyên ở đây.
“Chúng ta dễ dàng tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thay vì chỉ tập trung đấu tranh bảo vệ chủ quyền vì thực tế có một số nước khi đụng đến vấn đề này họ thường tránh… Nếu chúng ta kêu gọi các nước lên tiếng phản đối bảo vệ môi trường biển, hải đảo khu vực thì cộng đồng quốc tế lên tiếng rất dễ”- ông tiếp lời.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên, Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh quân chủng hải quân (TP Hải Phòng) cũng đề nghị cân nhắc, đưa vào phạm vi điều chỉnh cả các bãi đá ngầm và các cảng nhân tạo. “Chúng ta phải hết sức cân nhắc để làm sao bảo vệ được chủ quyền đất nước”, Thiếu tướng Nhiên quả quyết.
Cơ bản đồng tình với nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo được nêu tại Chương 9 của dự thảo luật, song Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên cho rằng, dự thảo luật mới quy trách nhiệm chung chung của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường mà “quên” trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Quy định như thế, ĐB Nhiên cho là sẽ dẫn đến chồng chéo giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong phân cấp quản lý.
ĐB Bùi Thị An (TP. Hà Nội) thì vẫn bảo lưu quan điểm nên nghiên cứu thành lập Bộ Kinh tế biển để tập trung quản lý, tránh sự tản mạn và chồng chéo giữa bộ nọ, ngành kia trong quản lý tài nguyên, môi trường biển đảo hiện nay.