ĐBQH: 4.900 ý kiến gửi Quốc hội cho thấy người dân ngày càng bức xúc
Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Các đại biểu thảo luận và góp ý xung quanh báo cáo về kết quả phát triển kinh tế 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 do Thủ tướng Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Các đại biểu cơ bản đều đánh giá cao bản báo cáo này của Chính Phủ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra thêm nhiều ý kiến xung quanh bản báo cáo này.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng cho biết, ông đánh giá cao bản báo cáo của Chính phủ. Cá nhân ông đánh giá tình hình kinh tế thế giới có nhiều sự phức tạp ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta tuy nhiên kinh tế nước ta vẫn đạt được những kết quả khá toàn diện trong năm 2015. Chúng ta đã hoàn thành và vượt 13/14 chỉ tiêu đặt ra. Năm qua việc tái cơ cấu ngân hàng đạt kết quả tốt, đại biểu đánh giá việc mua lại các ngân hàng giá 0 đồng là chủ trương đúng đắn… Các giải pháp về kinh tế - xã hội đã khiến nợ xấu hơn 17% năm 2012 xuống còn hơn 2% năm 2015, tai nạn giao thông giảm 5 -10%...
Tuy nhiên, theo đại biểu, bên cạnh các thành tích, còn 1 số yếu kém như nội lực kinh tế kém, cạnh tranh thấp, các doanh nghiệp tư nhân còn yếu, việc giảm nghèo còn chưa thực sự bền vững, vấn đề an toàn thực phẩm còn đáng lo ngại khi liên tục phát hiện ra việc sử dụng các chất cấm; các vụ án lớn còn xảy ra gây nhức nhối cho xã hội,….
Đại biểu đề nghị cần phân tích sâu sắc những yếu tố không bền vững và đề ra các giải pháp cho năm 2016. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, cần phân cấp mạnh hơn cho các địa phương để nâng cao trách nhiệm địa phương, tinh giản bộ máy hành chính, cắt giảm chi tiêu công không cần thiết và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đại biểu Vinh cũng cho rằng, về nông nghiệp cần tiếp tục ban hành cơ chế hỗ trợ khâu chế biến, giải quyết vấn đề về giá nông sản đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó cần có các biện pháp về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm việc dùng hóa chất..
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân – Khánh Hòa đưa ra ý kiến cần làm rõ một số hạn chế, tồn tại. Đại biểu cho rằng về cơ cấu tổ chức máy nhà nước còn cồng kềnh, thủ tục hành chính phiền hà, việc thanh kiểm tra còn chưa quyết liệt… là những tồn tại trong nhiều năm chưa giải quyết được
Đại biểu đưa ra thông tin, gần đây, tâm tư nguyện vọng của ng dân gửi đến Quốc hội càng nhiều, những kỳ họp trước chỉ 1.000 – 2.000 ý kiến nhưng kỳ này là 4.900 ý kiến. điều đó cho thấy những bức xúc của người dân ngày càng tăng, có những ý kiến tồn tại lâu không giải quyết.
Đại biểu Tuân cũng cho rằng, việc khai thác tài nguyên còn kém, nhiều dự án cảng biển, khu đô thị, sân bay,… còn lãng phí. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác các tài nguyên đang bị quá mức, cần xây dựng kế hoạch khai thác hiệu quả, nếu khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Theo đại biểu, việc quản lý thu chi ngân sách còn nhiều bất hợp lý như chi thường xuyên cao, chi đầu tư thấp tình trạng gian lận trốn thuế còn phức tạp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP. HCM cũng đã đưa ra một số vấn đề bức xúc còn ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Ngân cũng đưa ra một số vấn đề nhiều đại biểu khác dành sự quan tâm như vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề nhiều cử tri bức xúc bởi việc sử dụng chất cấm còn rất tràn lan. Vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường nước cũng đang là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Vấn đề quy hoạch treo, cải cách hành chính tuy đã có cải thiện nhưng vẫn gây nhiều bức xúc cho cử tri. Hiện tượng quá tải bệnh viện tại các thành phố lớn hay vấn đề an ninh trật tự còn rất phức tạp, tội phạm giết người tăng cao…