ĐB Nguyễn Anh Sơn: Thanh niên đô thị, con lãnh đạo rất ít đi bộ đội
Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Gọi nhập ngũ tới 80% con em nông dân
Cho ý kiến về đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, nhiều ý kiến ĐB thảo luận đồng ý với dự thảo Luật, nên thu hẹp đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ để tạo sự công bằng hơn giữa các đối tượng tham gia.
ĐBQH Ngô Minh Tiến (Bắc Giang) |
ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cho rằng, với quy định Luật hiện hành đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ là học sinh sinh viên đang học tập tại trường THPT, cơ sở giáo dục dạy nghề, học đại học…đã tạo nên sự chênh lệch rất lớn trong quá trình xét duyệt, gọi công nhân nhập ngũ. Trong khi con em cán bộ công chức, gia đình khá giả về kinh tế tỷ lệ gọi nhập ngũ chỉ 5%, thì có tới 80% là con em nông thôn, gia đình nghèo, khó khăn. Thực trạng trên ĐB Nguyễn Sỹ Hội cho hay, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chính vẫn là do đối tượng miễn, tạm hoãn quá rộng.
Là người phụ trách công tác tuyển quân ở địa phương, ĐB Lê Sỹ Hội nhắc tới những khó khăn mỗi lần tới dịp “gom” quân, vận động con em gia đình công chức khá giả một chút tham gia nghĩa vụ quân sự rất khó. Họ toàn “vin” vào cớ con em đang đi học để xin chế độ miễn, hoãn. Số lượng công dân thuộc đối tượng này không hề nhỏ, thành ra cứ đến mùa tuyển quân là tại nhiều Hội đồng tuyển quân phải đi “gõ cửa” từng nhà mà vẫn không làm sao đủ quân số. Trong khi tại nhiều vùng nông thôn, chẳng cần phải thuyết phục cũng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự do không “vướng” học hành.
Vị ĐB tỉnh Nghệ An nhất trí với quy định tại dự thảo Luật sửa đổi lần này, là chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học THPT, sinh viên đang học hệ ĐH chính quy để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và đảm bảo công bằng xã hội.
Thực tế này cũng được ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phản ánh, đa số chỉ con em người dân lao động khó khăn thì tham gia quân đội, còn thanh niên ở đô thị, con lãnh đạo thì rất ít.
“Thanh niên thì nhiều, tuyển quân thì khó khăn, quân đội không chọn được người để tuyển quân. Nghĩa vụ vẻ vang của mọi công dân thì lại chỉ thành nghĩa vụ của một nhóm” – ĐB Anh Sơn nói.
Cũng thể hiện sự nhất trí cao với các ĐB, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, hiện diện miễn gọi nhập ngũ quá rộng, nên việc gọi tân binh khó khăn, sức khỏe loại 1 ít, chỉ trên 30%, chủ yếu là sức khỏe loại 2. Thêm vào đó, trình độ văn hóa rất thấp, vì đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự chủ yếu mới học hết lớp 12. Nhiều địa phương phải đưa ra chính sách khuyến khích riêng thì mới tuyển đủ quân số gọi nhập ngũ hàng năm.
Nâng tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi để “thu nạp” thêm quân số
Một trong những lý do đưa ra để tăng tuổi gọi nhập ngũ từ 25 lên 27 tuổi là để quân đội có thêm đội ngũ binh lính có trình độ học vấn cao hơn. Song ĐB Lê Đắc Lâm lại phản đối, không có lý do gì kéo dài tuổi gọi nhập ngũ từ 25 lên 27 tuổi. Ông lập luận, sinh viên trường Y có thời gian học lâu nhất cũng chỉ 6 năm, ra trường mới 24 tuổi, so với quy định tuổi nhập ngũ là 25 tuổi thì vẫn còn 1 năm để thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình.
Không đồng tình, ĐB Ngô Minh Tiến (Bắc Giang) nhấn mạnh, việc tăng thời gian gọi nhập ngũ tới 27 tuổi để những đối tượng được tạm hoãn tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hiện diện tạm hoãn quá rộng nên rất khó khăn trong tuyển quân, nhất là vào đợt 2 khi có giấy gọi nhập học.
“Nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, phải được thể hiện bằng xương máu, chứ không thể đóng tiền để thay thế nghĩa vụ này của công dân” – ĐB Ngô Minh Tiến nói.
Đối với thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự, đa số các ĐB đều tán thành với quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, nâng thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng, do đây là thời gian đủ để huấn luyện bộ đội. Theo các ĐB, quy định như vậy sẽ hóa giải “tâm tư” cũng như ghen tị khi cùng một địa phương, đi cùng một thời điểm, nhưng “đầu quân” vào đơn vị khác nhau thời điểm ra quân lại khác nhau.
Có ĐB nêu ý kiến, để tránh phiền hà cho số công nhân làm ăn xa quê, thời điểm đăng ký tuyển nghĩa vụ quân sự nên vào ngay sau Tết Âm lịch. Thậm chí, có thể nghiên cứu phương án cho đăng ký tại nơi tạm trú rồi chuyển hồ sơ về địa phương, để tránh đi lại mất thời gian, tốn kém.