Đầu tư công lãng phí, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội (ĐBQH Lai Châu). (Ảnh: XH) |
Thưa ông, dự án Luật đầu tư công đang được Quốc hội thảo luận liệu có giải quyết được tình trạng phân bổ đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí trong thời gian vừa qua không?
Trước hết phải khẳng định một điều rằng, trong việc quản lý đầu tư công nói riêng, và chi tiêu công nói chung là đang có nhiều vấn đề. Dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công, và nguồn lực tài chính công ở Nhà nước chưa thật sự có hiệu quả. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật, trong đó có việc ban hành Luật đầu tư công là cần thiết, và cấp bách trong tình trạng hiện nay. Qua dự thảo của Chính phủ và thảo luận tại Quốc hội, tôi cho rằng, dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này cũng ngăn chặn được một phần tình trạng đầu tư dàn trải, bố trí vốn phải đảm bảo đủ nguồn, hiệu quả, bố trí tập trung.
Vậy dự án luật đầu tư công lần này gắn với tái cơ cấu nền kinh tế như thế nào, thưa ông?
Trước hết, bản thân đầu tư công cũng phải tái cơ cấu. Vừa qua quyết định 1792 của Thủ tướng Chính phủ cũng là một trong những biểu hiện của tái cơ cấu đầu tư công. Một trong những cái tái cơ cấu đầu tư công là phải đảm bảo hiệu lực của sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Quyết định 1792 yêu cầu phải đảm bảo đầu tư phải đúng thời hạn quy định đối với nhóm C là 2 năm, nhóm B là 4 năm, rồi việc quyết định dự án đầu tư phải đảm bảo cân đối được nguồn vốn. Người quyết định đầu tư mà không đảm bảo cân đối nguồn vốn phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước Quốc hội.
Vậy chế tài để xử lý lãng phí trong đầu tư công được quy định như thế nào trong dự án luật lần này thưa ông?
Chế tài là có đưa ra. Nhưng quan trọng hơn là phải đổi mới cơ chế quản lý vốn đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu không xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, thì sẽ không có chế tài. Điều đáng nói hiện nay chính là nhiều quyết định đầu tư mang tính chất tập thể. Do đó vấn đề cá thể hóa trách nhiệm đối với người đứng đầu đang là vấn đề đặt ra. Để làm điều đó thì tôi cho cần phải đổi mới thẩm quyền quyết định đầu tư theo hướng cá thể hóa trách nhiệm. Từ đó thì chúng ta mới áp dụng chế tài được.
Vậy tại sao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước “ngốn tiền” rất lớn lại không được điều chỉnh ở Luật đầu tư công?
Hiện tại Luật đầu tư công xác định phạm vi điều chỉnh là không có điều chỉnh đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty. Bởi vì theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì sắp tới Quốc hội sẽ ban hành Luật đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Lúc bấy giờ các đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được điều chỉnh ở Luật này. Còn nếu quy định vào trong Luật đầu tư công thì vô hình trung chúng ta sẽ dẫn tới tình trạng chồng chéo trong việc ban hành Luật đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tới đây.
Thứ nhất là, đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, hiện tại đã có các cơ quan pháp luật điều chỉnh. Tới đây sẽ nâng lên ở Luật đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là, đầu tư của các doanh nghiệp, thì đúng là vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, và kém hiệu quả. Cho nên Luật đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh sắp tới sẽ quy định một cách chặt chẽ hơn.
Còn đầu tư hiện tại theo quy định là đầu tư thuộc dự án chương trình trong chiến lược phát triển kinh tế ngành được Thủ tướng Chính phủ quy định. Việc đầu tư phải đảm bảo hiệu quả, và người chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, nếu làm nghiêm các quy định của pháp luật, thì tình trạng đầu tư dàn trải chắc chắn là cũng sẽ được khắc phục, hạn chế. Nếu như chúng ta quy định, và kiểm soát, xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư đối với hiệu quả sử dụng nguồn vốn thì tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả chắc chắn sẽ được hạn chế.
Từ câu chuyện đổ vỡ của Vinashine, Vinaline thì theo ông cần phải có các giải pháp như thế nào để bịt được những lỗ hổng ấy?
Vừa qua, sự đổ vỡ và kém hiệu quả là do các văn bản điều chỉnh của nó. Nhưng trong đó có một vấn đề đặt lên ở đây đó là đổ vỡ có hai nguyên nhân. Thứ nhất, là rủi ro của thị trường dẫn đến vấn đề khách quan. Thứ hai, là do chủ quan dẫn đến thua lỗ lớn. Vừa qua pháp luật cũng đã khởi tố, sắp tới sẽ công bố trước nhân dân theo quy định của pháp luật trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân đến đâu. Nhưng tôi cho rằng, qua việc thua lỗ của một số tập đoàn, tổng công ty lớn, thì ngoài việc chấp hành pháp luật, còn có nguyên nhân do cơ chế quản lý vốn của chúng ta. Đối với vốn ngân sách Nhà nước chẳng hạn, tổng mức bao nhiêu, nguồn ở đâu, phân bổ cho bộ, ngành địa phương nào... thì phải trình ra Quốc hội.
Còn đối với vốn đầu tư của từng tập đoàn, tổng công ty nói riêng, của doanh nghiệp nói chung thì căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao thẩm quyền cho hội đồng quản lý, hoặc hội đồng quản trị, hoặc tổng giám đốc công ty điều hành quyết định cái đó. Hiện tại có những tập đoàn, tổng công ty như tài khóa năm 2013 tổng vốn đến trên 100 ngàn tỷ đồng, tôi cho rằng giao thẩm quyền là quá lớn. Sắp tới có lẽ phải xem xét lại để có những quy định pháp luật quy định chặt chẽ cho nó phù hợp.
Xin cảm ơn ông!