Đầu năm nói chuyện tính thanh liêm của ĐBQH là doanh nhân
Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga đã lạm dụng quyền đại biểu để đối phó với cơ quan điều tra. |
Chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong hàng ngũ Quốc hội, song có lẽ người đại biểu là doanh nhân chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và người dân cả nước. Thậm chí có đại biểu còn lợi dụng “quyền đại biểu” làm vỏ bọc che chắn cho chính mình.
Với những gì đã làm, việc đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Housing Group - bà Châu Thị Thu Nga bị bắt về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không gây ngạc nhiên với nhiều người. Bởi trước đó bà Châu Thị Thu Nga đã chiếm đoạt tới 500 tỷ đồng của hàng trăm khách hàng thông qua một số dự án bất động sản.
Với những việc làm bất minh cùng hàng tá đơn kiện được gửi đi nhiều nơi, bà Nga đã nhiều lần bị triệu tập, song nữ đại biểu này đều tìm cách lẩn trốn một cách hợp pháp. Thậm chí tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, nữ đại biểu đoàn Hà Nội còn liên tục vắng họp với lý do “đi chữa bệnh”.
Luật pháp không có “vùng cấm”, bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên từ sự việc này, điều mà nhiều người quan tâm là vai trò của giới doanh nhân ra sao trong vai trò của một đại biểu Quốc hội? Họ có thực sự tham liêm, vì cộng đồng và đại diện cho dân, nói lên tiếng nói của dân và bênh vực quyền lợi của dân, hay lạm dụng “quyền đại biểu” để làm vỏ bọc và chỉ nhằm mưu lợi cá nhân?...
Trong tổng số gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII hiện nay thì có hơn 40 người đang là giới doanh nhân. Không thể phủ nhận họ có những đóng góp nhất định trong vai trò của một đại biểu. Tuy nhiên những băn khoăn về tính thanh liêm của đại biểu cũng được quan tâm nhiều hơn vào thời điểm này. Trong quá khứ đã ghi nhận những doanh nhân dính vào vòng lao lý khi còn đang là đại biểu Quốc hội.
Còn nhớ tại một số phiên thảo luận về Luật Bầu cử, không ít đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những “mặt trái” trong việc ứng cử, nhất là đối với những đại biểu doanh nhân. Nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra thực tế, trước ngày bầu cử đã có những người mượn cớ đi làm từ thiện và “kéo” báo chí đi cùng để đánh bóng tên tuổi.
Biết được thực trạng này, thậm chí có đại biểu còn đề nghị cần quy định vào trong luật, trong thời gian 30 ngày trước ngày bầu cử, người ứng cử hay được giới thiệu không được tham gia làm từ thiện, và không được xuất hiện trên truyền hình để đánh bóng tên tuổi.
Nói về Quốc hội, người đại biểu luôn được xác định đóng “vai trò trung tâm”. Cũng chính vì vai trò quan trọng như vậy càng phải lựa chọn được đại biểu xứng đáng với niềm tin mà nhân dân gửi gắm. Ngược lại, nếu cái quyền của đại biểu bị lạm dụng để phục vụ cho mục đích cá nhân thì thật nguy hiểm.
Cái sự lạm dụng ấy có thể thấy rõ nhất qua trường hợp của đại biểu Châu Thị Thu Nga. Đành rằng bà Nga đã có dấu hiệu lừa đảo trước khi trở thành một đại biểu Quốc hội, song cũng không loại trừ khả năng vì mượn cái danh của đại biểu Quốc hội, mà bà Nga đã lừa được nhiều người hơn.
Khi xuất hiện quá nhiều đơn tố cáo, tội danh mỗi ngày một rõ hơn, bà Châu Thị Thu Nga tiếp tục lạm dụng chính quyền của đại biểu Quốc hội để làm vỏ bọc cho chính mình. Điều này đã được chính Bí Thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hà Nội chỉ ra tại một hội nghị tổng kết vừa qua.
Với những “sai phạm nghiêm trọng và có hệ thống”, mặc dù đã bị các cơ quan chuyên môn nhiều lần triệu tập, song bà Châu Thị Thu Nga đã lạm dụng quyền của đại biểu Quốc hội, lấy lý do bận đi họp Quốc hội, từ chối tiếp xúc, cố tình lẩn trốn cơ quan chức năng… Mặc dù vậy, ông Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh “không có ai được miễn trừ khi vi phạm pháp luật”.
Đúng là luật pháp không có “vùng cấm” và cũng không có “quyền miễn trừ” đối với người vi phạm pháp luật, song để cái quyền của đại biểu không bị lạm dụng, có lẽ cũng cần phải đưa ra những quy định riêng cho đội ngũ doanh nhân khi đứng trong hàng ngũ đại biểu Quốc hội.