Đấu giá biển số xe đẹp: Nên làm để tăng thu ngân sách?
Ảnh minh họa |
Biển số xe có phải tài sản?
Trao đổi về vấn đề này, sáng 26/4, trong phiên họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, hiện có hai phương án về đấu giá biển số xe. Một là đấu giá biển số xe đẹp, hai là đưa tất cả các biển số xe ra để người dân có thể đấu giá và mua.
Tuy nhiên hiện đang có nhiều tranh luận về việc biển số xe có phải là tài sản không.
Theo bà Mai, đấu giá biển số xe đẹp đặt ra từ năm 2011 khi xây dựng Nghị định về đấu giá tài sản. Từ đó đến nay vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau rằng biển số xe là tài sản hay là công cụ quản lý của nhà nước đối với phương tiện giao thông đường bộ, quản lý trật tự giao thông.
“Khi quan điểm chưa rõ biển số xe có phải là tài sản hay không thì không thể đưa ra bán đấu giá được”, bà Mai nói.
Hơn nữa theo điều 80 của Luật Giao thông đường bộ hiện nay quy định cấm mua bán các biển số của phương tiện cơ giới. Vì vậy, việc dự kiến đưa biển số xe đẹp ra đấu giá chưa thực hiện được.
Chung quan điểm trên, ĐBQH, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Nguyễn Chiến cho rằng, nếu xác định biển số xe là tài sản nhà nước quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản 2016 thì tài sản đó phải chịu sự điều chỉnh của Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, khoản 22 Điều 8 Luật giao thông đường bộ hiện hành nghiêm cấm hành vi mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Do đó, chúng ta phải có sự rà soát tổng thể để sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật liên quan này. Ông Chiến cũng cho rằng, mục tiêu chúng ta hướng dẫn việc đấu giá biển số đẹp là để tăng nguồn thu ngân sách, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước về cấp biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dụng nhằm đáp ứng như cầu của người dân minh bạch.
Ông Chiến cũng lưu ý việc xác định phải đấu giá đối với biển số xe nào trước hết phải phân loại màu biển xe, cụ thể chỉ cho đấu giá đối với biển số của tổ chức, cá nhân trong nước (chúng ta hay gọi là “biển trắng”).
Đấu giá công khai sẽ thỏa mãn nhu cầu của người dân
Cho rằng, đấu giá biển số xe sẽ tăng thu ngân sách và ngăn được tiêu cực mà dư luận nói đến lâu nay, ĐBQH Trần Anh Tuấn, Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, thực tế hiện nay, người dân có nhu cầu biển số xe như ý. Chính vì thế, ông Anh Tuấn nhấn mạnh, việc đấu giá biển số xe công khai cũng là một cách tạo nguồn thu cho ngân sách trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Nếu thực hiện việc này mà vướng các quy định trong luật khác, chúng ta có thể bổ sung để hoàn chỉnh các điều kiện pháp lý trước khi thực hiện việc đấu giá biển số xe.
Nhiều nước cũng đã cho phép thiết kế biển số xe như ý, miễn sao không trùng với biển số xe hiện hữu. Biển số có thể thiết kế riêng và người có nhu cầu sẽ phải trả thêm phí liên quan tới thủ tục giấy tờ hành chính, các hoạt động để có được chiếc biển đó.
Ở Việt Nam, nếu đem đấu giá biển số xe công khai sẽ thỏa mãn nhu cầu, sự quan tâm của người dân và giảm được những tiêu cực mà chúng ta vẫn nói là có trong quá trình nhiều người sở hữu được những biển số xe đẹp thời gian qua. Do đó, ông Anh Tuấn cho rằng, đề án này là hợp lý và cũng nên làm để tận dụng tối đa nguồn thu cho ngân sách.
Dưới góc độ của một người làm luật, ĐBQH Nguyễn Chiến lại cho rằng, hiện nay, chúng ta chưa có định nghĩa thế nào là số đẹp bởi dãy số tự nhiên đó "đẹp với bạn nhưng chưa chắc đẹp với tôi".
“Do vậy, trước mắt, cần có khảo sát thị trường tiêu dùng, việc rao bán trên các phương tiện thông tin, tâm lý của người dân về biển số xe ưa chuộng cũng như thực tiễn nhiều năm qua. Việc đấu giá cần tuân thủ quy định của Luật đấu giá tài sản và văn bản hướng dẫn thi hành.
Do vướng mắc các Luật liên quan nên cần phải có sự sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đó trước, nếu triển khai bây giờ chỉ có tính thí điểm. Tuy nhiên, tôi cũng e ngại việc thí điểm cũng phải dựa trên hành lang pháp lý để bảo đảm không vi hiến, không trái các văn bản pháp luật liên quan”- ông Chiến nhấn mạnh.