Đất nước chỉ một Đảng, có cần Hội đồng bầu cử quốc gia độc lập?
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, không nên có Hội đồng bầu cử quốc gia độc lập. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh như trên khi Ủy ban Thường Vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sáng 25/2.
Liên quan đến vấn đề Hội đồng bầu cử quốc gia, hiện vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng, cũng như Hội đồng bầu cử ở trung ương – là cơ quan phụ trách bầu cử đã được quy định trong văn bản luật về bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập và hoạt động gắn với từng cuộc bầu cử của từng nhiệm kỳ cụ thể.
Bên cạnh đó, ý kiến thứ hai cho rằng, bầu cử là quyền quan trọng của công dân. Quyền đó được thực hiện không chỉ ở cuộc bầu cử chính thức đầu mỗi nhiệm kỳ mà còn được thực hiện thông qua việc bầu cử bổ sung đại biểu bị khuyết trong thời gian giữa nhiệm kỳ.
Việc dự thảo Luật đã trình Quốc hội quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Ủy ban bầu cử bổ sung để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như Hội đồng bầu cử quốc gia trong các lần bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội là không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Bởi vì, theo quy định của Hiến pháp thì Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội bao gồm cả bầu cử chính thức ở đầu mỗi nhiệm kỳ và cả bầu cử lại, bầu cử thêm cũng như bầu cử bổ sung giữa nhiệm kỳ.
Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án 1 cơ bản giữ các quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia như trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động kiêm nhiệm. Tuy nhiên, phương án này chưa thể hiện được nhiều điểm mới trong việc tổ chức bầu cử, chưa tạo lập được bộ máy chuyên nghiệp, độc lập để thực hiện công tác bầu cử…
Còn phương án 2 sẽ có các thành viên hoạt động chuyên trách làm đầu mối đảm nhiệm những công việc của Hội đồng, giữ mối liên hệ với các thành viên khác và thực hiện mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan. Phương án này cũng không làm phát sinh đáng kể về biên chế, bộ máy.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng phương án 1 cũng giống như Hội đồng bầu cử trung ương, không có gì khác. Phương án 1 cũng chưa được thể hiện rõ và phương án 2 đã khắc phục được điều này, cũng có sự đổi mới nhưng lại có khả năng phát sinh thêm biên chế.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lại cho rằng, phương án 1 sẽ thuận hơn, vì khi có nhu cầu thì Quốc hội sẽ quyết định thành lập, nhưng cũng có mặt hạn chế là chưa thực hiện đầy đủ tinh thần Hiến pháp. Mặc dù phương án 2 đầy đủ hơn, song ông Ksor Phước lại nghiêng về phương án 1, vì nếu lập ra một tổ chức phải có bộ máy hoạt động trong 5 năm, nhưng chủ yếu là "lau bàn ghế", lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí ngân sách. Ngoài ra Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng đề nghị cần làm rõ thêm quyền hạn nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử, vì luật này liên quan đến Luật tổ chức Quốc hội.
Cho rằng không nên thực hiện theo phương án 2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: "Đất nước chỉ một Đảng thì làm gì có Hội đồng bầu cử quốc gia độc lập?" Trên thực tế không có chuyện bầu lại Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng không (chỉ trừ trường hợp tách, nhập tỉnh) nên không cần phải bầu Hội đồng bầu cử Quốc gia. Do vậy phương án 1 sẽ thuyết phục hơn. “Chúng ta chỉ có 1 Đảng, không có đa Đảng, không có tranh cử giữa Đảng này Đảng kia nên chỉ bầu 1 Hội đồng”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị phải quy định rõ tỷ lệ bầu cử chuyên trách và không chuyên trách. Ngoài ra quá trình hiệp thương cũng phải ghi rõ tỷ lệ nữ, tỷ lệ chuyên trách và số dư.
Theo dự kiến, dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 tới đây.