Danh thơm là lẽ sống của kẻ sĩ
Câu chuyện tiêu biểu nhất cho danh tiết sĩ phu Bắc Hà kể về cuộc đối đáp của Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường qua hai lần thắng bại của từng người. Khi Vua Quang Trung với danh tiếng và mục tiêu chân chính của mình trước nạn ngoại xâm đã thu phục và trọng dụng Ngô Thì Nhậm, mời ông nhậm chức Thượng thư Bộ lại - chức cao nhất trong sáu bộ, tương đương chức thủ tướng hiện nay.
Khi Đặng Trần Thường vốn là sĩ phu (kẻ có học gian trá) muốn được Ngô Thì Nhậm tiến cử làm quan, ông đã từ chối thẳng thừng với câu nói: “Ở đây cần kẻ có tài, có hạnh chứ không cần kẻ ra luồn vào cúi”.
Khi Đặng Trần Thường theo nhà Nguyễn đánh bại Tây Sơn, được giao là kẻ trừng phạt một số quan Tây Sơn bằng roi tại Văn Miếu đã ra câu đối bắt Ngô Thì Nhậm đối: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai”. Ngô Thì Nhậm khẳng khái đối: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu thời thế thế thời phải thế”. Thường bắt chữa “thế thời phải thế” thành “thế đành theo thế”. Ngô Thì Nhậm không nghe. Thường đã sai tẩm thuốc độc vào roi đánh chết Ngô Thì Nhậm.
Kẻ sĩ hay sĩ phu Bắc Hà là tên gọi, cũng là danh xưng của tầng lớp trí thức có tiết tháo ở Đàng Ngoài tính từ sông Gianh ( Quảng Bình ) ra vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Nhớ đến chuyện xưa đầy khí phách của sĩ phu tiền nhân tôi lại liên hệ đến chiếc lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhóm lên bằng ý chí quyết tâm tiêu diệt bằng được hiểm họa của đại dịch tham nhũng. Đó là đại dịch có nguy cơ làm suy sụp rường cột quốc gia, làm băng hoại đạo đức đảng viên - những người từng được dân tin, dân yêu vì đạo đức trong sáng, quên mình vì dân, vì nước.
Nói về tham nhũng của giới quan trường thì thời nào và ở nước nào cũng có và việc tiêu diệt nó đều là những việc làm quả cảm nhất, công bằng nhất vì cuộc sống của người dân, sự tồn vong của thể chế. Tham nhũng bao giờ cũng gắn với những người có chức có quyền. Trong điều kiện quyền lực trong tay, thì chỉ cần một chút thiếu công tâm, một sự tha hóa trong tâm hồn kẻ cường quyền thì lập tức tham nhũng xuất hiện.
Cách đây 2.500 năm thành A-ten của Hy Lạp cổ đã ban lệnh sẽ tống cổ ra khỏi thành và không cho tham gia chính sự trong 10 năm đối với bất kỳ chính khách nào phạm vào hai tội tham nhũng và trai gái. Hơn 700 năm trước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cảnh báo 5 điều họa, trong đó có “tham nhũng lan tràn” sẽ làm cho quốc sỉ mất, liêm sỉ tan và quốc gia bại vong... Năm 1950, trong khói lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc, Bác Hồ kính yêu đã gạt nước mắt ký bản án tử hình đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu vì tham nhũng...
Và nay một thực tế đau lòng đã xảy ra trong chế độ ta là nạn tham nhũng đã trở thành tệ nạn đang phá hoại trầm trọng đất nước, làm băng hoại không ít cán bộ đảng viên và đáng sợ hơn là mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược của một kẻ sĩ Bắc Hà đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền. Ông trở thành một người đốt lò vĩ đại đã nhóm lên chiếc lò được cháy lên bằng ngọn lửa của lương tâm, và công lý để thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền.
Người có học bao giờ cũng trọng cái danh và xa lánh mọi ham hố vật chất, sự ích kỷ vun vén quyền lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Vài ba chục năm trở lại đây, người dân từng biết khá nhiều vị có chức sắc bằng quyền lực của mình cất nhắc con cái, người thân vào những vị trí này nọ. Mỗi lần có sự việc nào đó từ cưới xin cho con, thượng thọ cho bố mẹ, không ít vị lợi dụng chức vị để kiếm chác. Trên thiếp mời còn lòe loẹt in đủ chức danh và học vị.
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không. Đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của nhà nước, của Đảng nhưng từ việc lớn cho đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn, giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn của ông để mưu lợi cho mình, cho người thân.
Về với lớp từ phổ thông đến đại học, Tổng Bí thư vẫn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người. Ngay cả khi đang ở vị trí cao nhất Quốc hội, khi về với lớp học cũ, ông vẫn khiêm tốn với bạn đồng môn với các thầy, các cô giáo cũ.
Ông nói: Xin cho em, cho tôi được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò cũ của các thầy, các cô ngày nào. Còn tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn mãi với nhau là tình thầy trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó - nhà báo Dương Đức Quảng người cùng khóa Văn 8 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thuật lại lời Tổng Bí thư và cho biết thêm: “Khi chụp ảnh kỷ niệm lớp, anh vẫn nhường cho người cao tuổi ngồi trên. Lúc thư nhàn, anh vẫn về thăm những thầy cô giáo của mình với lòng kính trọng, biết ơn chân thành. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là đạo làm người của kẻ sĩ vậy.
Lò lửa chống tham nhũng đang ngùn ngụt cháy đúng như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Chiếc lò đó đã bắt đầu và sẽ liên tục thiêu ra tro những củi gộc mối mọt, độc địa. Ngọn lửa nghìn độ đó không chỉ được nuôi bằng lương tâm, dũng khí mà còn bằng trí tuệ, tài thao lược bài bản, có lớp lang của một kẻ sĩ có tâm, có tài, có dũng. Nhờ có chiếc lò và ngọn lửa hợp lòng dân như vậy nên chưa bao giờ cuộc chiến đấu chống tham nhũng lại quyết liệt, công bằng và có kết quả như lúc này.
Xin nhắc lại người nhóm lò và giữ cho ngọn lửa trong lò đó, người đứng đầu cuộc chống tham nhũng đang có hiệu lực làm nức lòng người đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một kẻ sĩ Bắc Hà ta đó./.