Đảng ủy Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, ngân sách và nợ công
Đây là những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN
Theo đó, Đảng ủy Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiến tới mở rộng áp dụng trên toàn hệ thống KBNN.
Để thực hiện nhiệm vụ tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công, Đảng ủy Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc siết chặt kỷ luật tài khóa, ngân sách, nợ công.
Bên cạnh đó là ban hành cơ chế, chính sách và thực hiện thu chi trong phạm vi dự toán, vay nợ, giải ngân trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định.
Nhất là phải hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn, điều chỉnh tổng mức đầu tư các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay. Ngoài ra, tổng kết, nghiên cứu mở rộng diện khoán xe ô tô công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời quán triệt không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước (NSNN); Không sử dụng nợ công cho cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng nhà nước hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế.
Với các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong công tác quyết toán các dự án hoàn thành.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc quản lý thu, chi NSNN
Đối với việc quản lý NSNN, Đảng ủy Bộ Tài chính cũng yêu cầu tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi NSNN, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư, gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan như cơ quan tài chính, KBNN, đơn vị sử dụng NSNN.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu; Tiếp tục thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiến tới mở rộng triển khai, áp dụng trên toàn hệ thống KBNN, tạo thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư và nâng cao chất lượng phục vụ của KBNN.
Công khai, minh bạch về nợ công
Chương trình hành động của Đảng ủy Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về NSNN và nợ công.
Xây dựng cơ sở dữ liệu thu ngân sách chi tiết theo đối tượng nộp thuế, theo sắc thuế, khoản thu, đơn vị, địa bàn... đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước; Kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu kinh tế xã hội của quốc gia, các cấp, các ngành, địa phương làm cơ sở thực hiện phân tích, dự báo thu ngân sách kịp thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, từng bước triển khai lập dự toán chi ngân sách theo mục tiêu, nhiệm vụ, các định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ, cam kết chi. Nâng cao năng lực dự báo, xây dựng kế hoạch, các chỉ tiêu kinh tế, tài chính, ngân sách sát thực tế.
Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thống kê kinh tế, tài chính, tiền tệ tập trung, thống nhất, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về thống kê tài chính. Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, hoạch định kế hoạch và điều chỉnh chính sách trong quản lý, điều hành nền tài chính quốc gia. Xây dựng cơ chế tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo tính kết nối, tích hợp tất cả các dữ liệu tài chính Chính phủ tại các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan…
Đặc biệt là việc kiện toàn bộ máy nhà nước và nhân sự, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công…
Đảng ủy Bộ Tài chính khẳng định, việc ban hành Chương trình hành động nhằm quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 và Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành động của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tài chính đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn về tiếp tục đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Thực hiện quản lý tài chính - NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Thực hiện thắng lợi với kết quả cao nhất các nhiệm vụ tài chính - NSNN đặt ra cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quản lý tài chính - NSNN, quản lý nợ công hiệu quả trên cơ sở hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công…