Đằng sau những vụ án chồng giết vợ
Bình thường, khi mâu thuẫn trong hôn nhân không thể hòa giải được, những người trong cuộc sẽ chọn cách chia tay để ít làm tổn thương cho nhau nhất, đặc biệt là cho những đứa con và tuân thủ đúng luật pháp. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, có lúc có nơi cũng có những trường hợp bất thường, cá biệt. Họ chọn cách chia ly thật đau đớn, tang thương do sự thiếu hiểu biết, do bản tính côn đồ và còn do sự bốc đồng, xốc nổi.
Điển hình là 3 vụ án xảy ra liên tục trong tháng 6, tháng 7 vừa qua trên địa bàn Cai Lậy và TP. Mỹ Tho đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Người vĩnh viễn ra đi, người vướng vòng lao lý, còn con cái phải chịu cảnh bơ vơ.
Chị Mai Xuân Lan Thủy (ngụ xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) và Nguyễn Thanh Hùng cưới nhau được 7 năm. Thời gian đầu rất hạnh phúc, nhưng càng về sau những vất vả mưu sinh của 1 gia đình vốn nghèo khó đã khiến 2 người thường xuyên cãi nhau.
Bình thường thì không có gì, nhưng khi Hùng uống rượu về là “có chuyện”, nhất là thời điểm Hùng trúng số rồi sinh tật bê tha. Hùng thường xuyên nhậu nhẹt khiến mâu thuẫn vợ chồng ngày càng gay gắt, chị Thủy không cho Hùng ở nhà. Bỏ đi một thời gian, Hùng quay về, giữa 2 người lại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn và Hùng đã dùng dao giết chết vợ mình.
Bé Nguyễn Ngọc Thùy Trang - con của chị Thủy mới 5 tuổi đầu mà phải chứng kiến cảnh cha đâm chết mẹ nên tâm lý có lúc không ổn định. Trong hành trang tuổi thơ của cháu, không chỉ thiếu vắng tiếng cười, mà còn ám ảnh bởi niềm đau quá sức. Rồi đây ký ức về người cha tội lỗi đến khi nào mới xóa được.
Một vụ án khác, xảy ra tại phường 3, TP. Mỹ Tho. Cưới nhau mới 2 năm nhưng vợ chồng Huỳnh Văn Tấn (SN 1975, ngụ xã Phú Nhuận, TP. Bến tre, tỉnh Bến Tre) và chị Huỳnh Thị Thu Hà (ngụ phường 3, TP. Mỹ Tho) đã “cơm không lành, canh không ngọt”.
Lúc bình thường Tấn vốn là người hiền lành, yêu thương vợ con, nhưng khi uống rượu say là kiếm chuyện rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Những lúc như vậy, chị Hà lên tiếng cãi lại, rồi đuổi Tấn về Bến Tre và đòi ly hôn. Dù vậy, qua chuyện rồi thì Tấn và vợ vui vẻ trở lại.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Cuộc sống vợ chồng của Tấn cứ thế trong 2 năm, cho đến 1 ngày cuối tháng 7-2014 Tấn từ Bến Tre trở về trong cơn say mèm, lại kiếm chuyện chửi mắng vợ, đập phá đồ đạc trong nhà. Chị Hà lại đuổi Tấn về Bến Tre. “Điên tiết”, anh ta đã dùng búa giết chết vợ, mẹ vợ và anh trai của vợ.
Mẹ chết, khi bé Huỳnh Nhân Hậu vừa tròn 14 tháng tuổi. Giờ bé Hậu sống với bà nội đã gần 70 tuổi, cũng đang sống nhờ vào tình thương của mọi người. Lớn lên Hậu sẽ thế nào khi biết được người đã đẩy mình vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa chính là cha mình?
Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, lẽ ra Phạm Phú Tình (SN 1950, ngụ xã Tân Phong huyện Cai Lậy) sống vui vầy cùng con cháu. Thế nhưng, ông ta lại vướng vào vòng lao lý với tội danh giết người. Người mà ông ta giết chính là người đã sống với ông có đến 7 mặt con.
Khoảng 1 năm nay, giữa Tình và vợ là bà Nguyễn Thị Sáu thường xảy ra mâu thuẫn do ông ta nghi ngờ vợ có mối quan hệ với người đàn ông khác, rồi thường xuyên đánh, chửi, hâm dọa giết chết vợ. Sợ bị đánh, chửi mỗi khi chồng uống rượu về là nỗi lo lắng thường trực trong lòng bà Sáu. Sau khi đưa đơn ra tòa, bà Sáu về nhà cha ruột ở. Ngày 4-6, Tình đi nhậu về thấy nhà đóng cửa. Tức giận cộng thêm những ấm ức về sự nghi ngờ trong lòng, ông ta lấy dao đến nhà cha vợ chém vợ tử vong.
Mẹ chết, cha vào tù, các con phải gánh chịu nỗi đau đớn, bơ vơ. Còn Phạm Phú Tình, sau khi tỉnh ngộ, mới nghĩ đến con của mình và hối hận về những gì mình đã gây ra cho con cái.
Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng hậu quả đâu chỉ có vậy. Còn biết bao hệ lụy cho con cái và người thân. Bài học đớn đau này không chỉ riêng cho người trong cuộc mà đây là sự cảnh tỉnh cho tất cả mọi người trong giải quyết mâu thuẫn gia đình, trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình.
“Bát đũa có lúc còn xô” thì chồng vợ làm sao tránh khỏi những lúc bất đồng trong cuộc sống. Nếu như cả 2 đều biết nhường nhịn thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, hiểu nhau hơn, hạnh phúc vì thế được nhân lên hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, trong một số gia đình hiện nay, vợ chồng thiếu sự trung thực với nhau, dẫn đến sự nghi ngờ lẫn nhau; khi cãi vã xảy ra thì 2 bên đều dùng những từ ngữ để xúc phạm nhau, chưa kể đến một số trường hợp 1 trong 2 bên cố tình khiêu khích, thách thức nhau và nếu có 1 người không thể kềm chế được trước sự xúc phạm của người kia, chọn cách giải quyết tiêu cực nhất thì hậu quả thật khôn lường, như kết quả đau lòng trong các vụ án nêu trên.
Để phòng ngừa thực trạng này, không có phương pháp nào tốt hơn công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành chức năng. Quan tâm giáo dục xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng và không có bạo lực.
Chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở phải chủ động nắm chắc tình hình nhằm giải quyết kịp thời những mâu thuẫn ngay từ lúc phát sinh, tuyên truyền về tác nhân, động cơ phạm tội để mỗi người tự rút kinh nghiệm, tự mình có ý thức kiềm chế, phòng ngừa, tránh xung đột, không để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Theo Hồ Sương/Báo Ấp Bắc