Dân còn nghèo mà trụ sở cứ như… cung điện!
“Lộng lẫy làm gì?”
Đề cập đến tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước phải thốt lên: “Trong khi người dân còn nghèo như vậy, mà trụ sở làm việc lại lộng lẫy cứ như thể cung điện”. Ông Ksor Phước lưu ý, trụ sở cũng là tiền của nhân dân, dùng để phục vụ nhân dân chứ đâu phải cung điện, càng đâu phải công viên để người ta vào vui chơi, thắng cảnh.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước: Dân còn nghèo mà trụ sở làm việc cứ như cung điện, rất phản cảm! |
Ông Ksor Phước kể lại, thời của Thủ tướng Phan Văn Phải trước đây đã phải yêu cầu không xây dựng trụ sở, dành tiền ngân sách để lo cho các đơn vị ở huyện, quận, xã phường. “Nhiều tỉnh xây trụ sở đẹp lộng lẫy khang trang, rất phản cảm. Trong khi dân còn nghèo, nước còn nghèo thì xây trụ sở lộng lẫy như cung điện để làm gì?!”.
Ông Ksor Phước chia sẻ và đề nghị công bố việc này cho cả nước biết, kể cả trụ sở tỉnh ủy cũng phải công bố. Tổ chức Đảng mà xây dựng lộng lẫy là không được. Công bố công khai cũng là bảo vệ Đảng, giữ gìn niềm tin của nhân dân vào Đảng.
“Có những cán bộ đi xe rất sang. Cấp dưới Bộ trưởng cũng đi xe sang. Lúc này Bộ Tài chính phải “tuýt còi” thôi. Nếu anh không nói, không làm được thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội” - ông Ksor Phước nói.
Cho rằng nội dung báo cáo chưa rõ, Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa đưa băn khoăn, thực tế đầu tư lãng phí nhiều, báo chí phản ánh nhiều thì có nằm nội dung báo cáo trình Quốc hội tới đây không, hay việc thực hiện chương trình Quốc gia cũng còn nhiều vấn đề, rất dàn trải, thiếu tập trung. Ông Khoa đề nghị cần đánh giá xem chương trình mục tiêu đó hiệu quả đến đâu, xem có lãng phí không...
Lãng phí cầu Nhật Tân: Ai bỏ tiền ra đền?
Đề nghị quản lý chặt các công trình xây dựng từ ngân sách, ông Ksor Phước dẫn dụ tại ngã tư Đê La Thành với Hào Nam ở Hà Nội, liên quan đến 3 “ông”: đường điện, đường sắt trên cao và đường bộ. “Ông” làm cột điện lấn cả đường giao thông, chắn cả đường sắt trên cao. Từ đó ông Phước đặt câu hỏi: "Việc quy hoạch thế nào? Quản lý ra sao? Hà Nội lãng phí bao nhiêu tiền? Quản lý quy hoạch kiểu gì vậy? Nó diễn ra công khai thế mà không xử gì cả. Tôi mà làm ở Hà Nội thì sẽ làm đến nơi đến chốn việc này".
Cũng là câu chuyện ở Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu trường hợp cầu Nhật Tân chậm tiến độ, bị đòi phạt vài trăm tỷ đồng. Nguyên nhân do cái gì? Chậm tiến độ, không đảm bảo thi công có lãng phí không?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Không giảm được biên chế thì phải xử lý bằng tiền. Ảnh IT |
“Lãng phí mấy trăm tỷ ai bỏ tiền ra đền? Tiền của nhà nước chứ của ai! Có ông nào bỏ tiền ra đền đâu” – ông Sơn nói.
Hay cao tốc Hà Nội – Lào Cai còn vướng mặt bằng, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ mà đâu có nhanh được. Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nêu, với cao tốc Nội Bài - Nhật Tân đến năm 2015 có làm kịp để chúng ta tổ chức hội nghị IPU không? Theo ông, đến năm 2015 có khi cái cầu ấy còn chưa chắc đã làm xong.
Rồi Phó Chủ tịch dẫn dụ những dự án khởi công ở nhiều địa phương, bộ ngành cứ hô hào làm nhanh chóng nhưng khi địa phương hỏi tiền, vì tỉnh nghèo không có thì ông Bộ trưởng lại bảo địa phương cố gắng huy động mọi nguồn lực…
Không giảm được biên chế thì phải xử lý bằng tiền
Trước tình hình khó khăn về thu chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định thời gian tới sẽ phải làm quyết liệt hơn. Chính phủ đã thống nhất ra nghị quyết, qua đó sẽ kiểm soát chặt việc in hóa đơn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ, chuyển địa điểm 2 – 3 lần trong năm.
Qua rà soát, Bộ trưởng Dũng cho biết đã tạm dừng nhiều dự án chưa triển khai với số tiền 22 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy các chế độ chính sách chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên, hội họp… đang gặp nhiều khó khăn, cần sự đổi mới quyết liệt hơn.
Theo Bộ trưởng, chủ trương tinh giảm biên chế đề cập nhiều, nhưng thực tế không giảm, lại cứ tăng lên. 30% cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, mà tiền lúc nào cũng phải chi. Để khắc phục tình trạng này, ông cho biết sẽ giao tiền định mức cho từng đơn vị. Nghĩa là giao quyền tự quyết chi tiêu cho người đứng đầu, cấp tỉnh cấp bộ cũng áp dụng như vậy để giảm áp lực cho ngân sách.
“Không giảm được biên chế thì phải xử lý bằng tiền. Chỉ giao mức tiền như vậy, còn hạch toán chi tiêu thế nào do người đứng đầu đơn vị, miễn là phải hoàn thành nhiệm vụ”.
Ngoài ra Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia năm tới sẽ giảm chi phí 50%, chỉ tập trung vào những chương trình lớn như nông thôn mới, hay chương trình giảm nghèo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, lãng phí liên quan đến đất đai có ở đâu, ngành nào, cấp nào, địa phương nào, chắc có hết nhưng chỉ sợ không dám công bố thôi. Bà Ngân cũng đề nghị tới đây cần phải công khai toàn bộ để ĐBQH mỗi địa phương nắm được tình hình mà thực hành giám sát.
“Đời sống nhân dân còn khó khăn mà trụ sở rất to, rất đẹp như thế có được không? Tới đây cần phải công khai toàn bộ những việc này” – Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.