Dân chưa biết mình có quyền được Nhà nước bồi thường
Cơ quan cấp phường thưởng xảy ra nhiều sai phạm nhất nhưng người dân vẫn ngại yêu cầu bồi thường thiệt hại - Ảnh Duy Nguyên |
Sáng nay 25/10, Bộ Tư pháp đã có buổi tọa đàm với các cơ quan chức năng, các chuyên gia, luật sư tại TP.HCM để “Đánh giá tình hình thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Tại đây, Cục Bồi thường Nhà nước, thuộc Bộ Tư pháp đã đưa ra các số liệu cụ thể về công tác bồi thường Nhà nước cho người dân trong ba hoạt động: Quản lý hành chính, hoạt động tố tụng và thi hành án.
Cụ thể, sau 3 năm thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, từ ngày 1/1/2010 – 30/9/2012, cả nước đã xảy ra 165 vụ người dân, doanh nghiệp yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường thiệt hại. Trong đó, đã giải quyết 122 vụ với tổng số tiền bồi thường là trên 15,9 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước: “165 vụ yêu cầu bồi thường trong khoảng thời gian 3 năm là quá ít. Thậm chí, có 24 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chưa phát sinh vụ việc người dân, doanh nghiệp yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại. Điều này không phải do cán bộ, công chức Nhà nước làm tốt, làm đúng trách nhiệm mà là do nhiều người dân chưa biết mình có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại hoặc biết nhưng họ còn e ngại với tư tưởng… con kiến mà kiện củ khoai”.
Ông Tịnh cho biết thêm, khi ông làm việc tại Đà Nẵng, chính quyền địa phương này cho biết, cơ quan cấp phường là đơn vị xảy ra nhiều sai phạm nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Nhưng người dân tại đây lại không biết về quyền yêu cầu bồi thường. Có trường hợp, con số thiệt hại từ 3 – 5 triệu đồng, người dân lại ngại các thủ tục hành chính sẽ phát sinh thêm chi phí nên cũng không đòi bồi thường. Cũng có trường hợp, người dân đi đòi bồi thường nhưng lại không biết đến cơ quan nào để gửi đơn.
Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV từng bồi thường 203 triệu đồng do chậm giao hàng - Ảnh BHQ |
Ngay cả tại TP.HCM, một địa phương có số lượng các vụ án dân sự cao nhất nước, chiếm đến 1/7 số vụ cả nước mỗi năm và chiếm đến ½ về giá trị tài sản trong thi hành án nhưng cũng có rất ít vụ sai sót của cán bộ thực thi pháp luật bị người dân, doanh nghiệp đòi bồi thường.
Cụ thể, chỉ có một số vụ như, vụ Công ty CP Hưng Cơ khởi kiện và yêu cầu Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV bồi thường thiệt hại do chậm giao hàng, tổng số tiền bồi thường là trên 203 triệu đồng.
Và vụ việc ông Trương Văn Lập ở quận Bình Tân yêu cầu cơ quan thi hành án quận 11 bồi thường 26 lượng vàng do đã sai sót trong khi thi hành án, giúp sai phạm có cơ hội tẩu tán tài sản và trốn tránh trách nhiệm thi hành án. Vụ việc này vẫn đang được xem xét…
Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho rằng, ngoài việc người dân chưa hiểu biết nhiều về Luật thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng chưa tạo thuận lợi cho người dân. Theo quy định, người dân, doanh nghiệp, khi bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ Nhà nước gây ra thì có quyền yêu cầu bồi thường trong thời hạn 2 năm kể từ ngày bị thiệt hại. Trong khi đó, muốn yêu cầu bồi thường thì người dân phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của cán bộ Nhà nước.
“Để có được văn bản này là một việc không dễ dàng. Người dân sẽ không thể nào am hiểu hết được các thủ tục để xin được văn bản này. Đến khi xin được thì thời hạn đòi bồi thường đã hết”, vị này nói.
Để giải quyết vướng mắc này, ông Tịnh cho biết, trong năm nay, Bộ Tư pháp sẽ gấp rút xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn việc xác định người thi hành công vụ phạm tội để người dân có đủ căn cứ đòi bồi thường khi bị thiệt hại.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng sẽ nghiên cứu tăng cường cán bộ giám sát việc thực thi bồi thường Nhà nước cho người dân để hồ sơ yêu cầu bồi thường của người dân không bị ách tắc ở các cơ quan thực thi.