Đắk Nông: Vì sao bắt Phó giám đốc Cty Long Sơn?
Giải tỏa sai quy trình
Như thông tin đã đưa, vào 23/10/2016, Công ty TNHH Thương mại-Đầu tư Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn, có trụ sở tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã cho người và máy móc vào san ủi vườn điều với diện tích khoảng 0,5 ha của hộ gia đình ông Hoàng Văn Thắng (SN 1965) tại Tiểu khu 1535 xã Quảng Trực.
Công ty Long Sơn đã sai trong quá trình giải tỏa vườn điều của người dân. |
Bức xúc vì phía Công ty Long Sơn giải tỏa nhưng không thông báo, cũng không có đại diện của chính quyền địa phương đến theo dõi để kiểm kê thiệt hại, lên phương án bồi thường nên giữa người dân và nhân viên của Công ty Long Sơn xảy ra xô xát.
Sau đó, có 4 đối tượng bất ngờ lấy súng hoa cải bắn vào đoàn san ủi. Hậu quả, vụ xả súng đã khiến 3 nhân viên của công ty Long Sơn chết tại chỗ, 17 người khác bị thương.
Các nạn nhân tử vong được xác định là Dương Văn Tiến (SN 1992, trú xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận); Điểu Vinh (SN 2000); Điểu Tào (SN 1991, cùng trú tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).
Sau khi xảy ra vụ án, CQĐT đã lần lượt bắt các đối tượng xả súng để xử lý theo quy định. Đồng thời, Bộ Công an đã cử cán bộ vào cuộc, kết hợp với lực lượng chức năng địa phương để điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân của vụ việc này.
Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Đức, khi đưa lực lượng và phương tiện tiến hành giải tỏa, Công ty Long Sơn không thông báo với chính quyền địa phương và các hộ dân trước khi thực hiện.
Trong khi đó, luật quy định rõ, Chủ tịch UBND cấp huyện là người quyết định thành lập Ban cưỡng chế. Sau đó, Ban cưỡng chế phải dán thông báo, niêm yết quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND xã hoặc địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị cưỡng chế, thu hồi.
Điểm nóng đất đai
Được biết, vào năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao 1.079ha đất tại Tiểu khu 1535 (thời hạn 50 năm) cho Công ty Long Sơn sử dụng để thực hiện dự án đầu tư sản xuất đất nông nghiệp.
Lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ trong vụ xả xúng khiến 20 người thương vong vào cuối tháng 10/2016. |
Theo quy hoạch, Công ty Long Sơn sẽ trồng 441,1ha cao su, 62,2ha rừng, 68ha điều và thực hiện quản lý bảo vệ 501,7ha rừng. Nhưng theo rà soát của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, công ty này mới trồng được 93,2ha cao su, bị người dân lấn chiếm trái phép 979,1ha (trong đó làm mất gần như toàn bộ diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ- 501,7ha). Do vậy, phía Công ty Long Sơn đã tổ chức nhiều đợt cưỡng chế, giải tỏa diện tích của người dân đang canh tác trong vùng dự án.
Trao đổi với Infonet, chị Vi Thị Vân (người dân) cho biết, việc tranh chấp đất giữa Công ty Long Sơn và bà con trong Tiểu khu 1535 đã xảy ra từ lâu. Để giải quyết vấn đề này, bà con đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Theo tìm hiểu của PV, trước đây nhân viên của Công ty Long Sơn từng tham gia đánh người dân tại Tiểu khu 1535. Điển hình, vào năm 2014, giữa anh em Trần Văn Thanh, Trần Văn Hanh, Trần Văn Huỳnh xảy ra tranh chấp đất (tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực) với Đào Công Bắc.
Sau đó, Bắc nhờ Phạm Đình Phúc (SN 1961, trú xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước) đòi hộ đất và hứa bồi dưỡng. Không lâu sau, Phúc rủ thêm nhóm của Trần Văn Bốn, Phạm Thanh Long và Trần Thanh Phong; Long gọi thêm Nguyễn Khắc Duy, Trần Thanh Phú cùng một số nhân viên bảo vệ của Công ty Long Sơn) mang theo hung khí đến rẫy của Trần Văn Thanh để đánh nhau.
Hậu quả, anh Trần Văn Huỳnh bị nhóm của Bốn đánh gẫy xương bàn tay, thiệt hại 8% sức khỏe; Trần Văn Thanh bị chém trúng đầu, tổn hại 90% sức khỏe.