Đại biểu Quốc hội: Luật ta dùng từ ngữ rất... tùy tiện
Sáng nay (15/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Bộ luật tố tụng Dân sự. Phát biểu góp ý về dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã thẳng thắn nhận xét: "Tôi cho rằng nhiều đạo luật của chúng ta dùng từ ngữ rất tùy tiện, không chuẩn, nên cần có các chuyên gia, các nước đối với bản án lệ người ta có chuyên gia ngôn ngữ học để người ta góp ý vào đó, vì án lệ là giải thích luật, chúng ta ít chú trọng về vấn đề này, vì ngôn ngữ chúng ta dùng nhiều cái không phù hợp".
ĐB Thuyền lấy ví dụ: "Vừa rồi có đại biểu nói mặc quần áo đấy, nói là mặc quần áo thì đúng quá rồi, nó không sai, nhưng đây là kiến trúc thượng tầng thì phải dùng từ bác học một chút, ví dụ như vợ mình thì gọi là vợ, nhưng vợ lãnh đạo phải gọi là phu nhân chứ không gọi là vợ cả, cho nên dùng từ trong luật này nó phải chuẩn, tôi đề nghị như thế. ". ĐB Nguyễn Bá Thuyền góp ý, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên mời các chuyên gia về ngôn ngữ học để chỉnh sửa luật cho chuẩn.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng). Ảnh Vnexpress |
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng ủng hộ quan điểm dự thảo, “tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết của người dân”, ông cho rằng: “Điều 4, có rất nhiều ý kiến khác nhau về điều này, tôi cho rằng đây là vấn đề mới, nên ủng hộ cái mới, bởi vì Tòa là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tôi khiếu kiện đến tòa là tôi đòi hỏi công lý, bây giờ anh lại từ chối của tôi thì không công bằng. Nhiệm vụ của anh là bảo vệ công lý, mà tôi kiện đòi công lý anh lại từ chối là không được”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị làm rõ Tập quán là gì? Những tập quán nào chúng ta được lựa chọn, trong Luật hôn nhân và gia đình trước đây giao cho Hội đồng nhân dân các cấp quy định những tập quán được công nhận, nhưng không tỉnh nào làm được, bởi vì rất nhiều dân tộc khác nhau”.
Bên cạnh đó, ông đề nghị phải giải thích thế nào là tương tự để làm sao khi quy định này đưa vào thực tế thì Hội đồng xét xử sẽ áp dụng được, không nhầm lẫn. Đồng thời, phải quy định như thế nào gọi là lẽ công bằng, phải giải thích rõ chỗ này.
Ông Thuyền nhấn mạnh: “Tôi đồng ý quan điểm mới này, bởi vì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhưng 3 vấn đề này chúng ta phải làm rõ thì mới giúp cho việc xét xử sau này khách quan, vô tư và đúng”.
Nói đến vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng Viện kiểm sát không phải tham gia tất cả các vụ án mà tham gia những vụ việc phức tạp. Ông Thuyền thể hiện quan điểm đồng ý về việc Viện kiểm sát tham gia phiên tòa.
Trước những lo lắng về việc VKS phát biểu sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét xử, ông lấy ví dụ: “Nhiều người nói càng tốt, chỉ sợ người ta không nói. Quốc hội chúng ta là khi nào không nói thì có vấn đề rồi, chứ còn nhiều người người ta nói thì rất hay chứ có gì đâu, nói xuôi, nói ngược để mình tiếp thu, còn nếu Quốc hội hôm trước bảo không ai nói gì thì rất buồn cười, không bình thường. Cho nên vấn đề phải nói để cho hiểu, thông cảm và chia sẻ và chúng ta thấy được chúng ta quyết định chính xác hơn”.