Đại biểu của dân là phải "lội dưới cơ sở"
Đại biểu của dân là phải "lội dưới cơ sở"
>> Chi tiết hội thoại ông Nguyễn Bá Thanh "truy" Giám đốc Sở
>> Ông Nguyễn Bá Thanh "lật tẩy" chuyện ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng
>> Ông Nguyễn Bá Thanh: Sai quy định nhưng có lợi cho dân thì kiên quyết làm!
>> Cán bộ Đà Nẵng nghĩ gì về ông Nguyễn Bá Thanh?
>> GS. Nguyễn Minh Thuyết "bình" về "hiện tượng Nguyễn Bá Thanh"
>> Người Việt ở nước ngoài nói gì về “hiện tượng Nguyễn Bá Thanh”?
>> Chất vấn không phải để biết mà để giải quyết
Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trực tiếp tiếp nhận, xử lý đơn thư của người dân - Ảnh: HC |
Qua loạt bài của Infonet về kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII vừa qua, có thể thấy sở dĩ hoạt động nghị trường của TP này tạo được sức thu hút là do chất vấn của các đại biểu ngày càng cụ thể, đi sâu vào các vấn đề bức xúc ở cơ sở và nói lên được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhiều đại biểu còn nâng tầm lên mức "hỏi cho ra vấn đề" và đề xuất hướng giải quyết cho chính những vấn đề đó.
Lội dưới cơ sở
Để làm được như vậy, điều quan trọng nhất là các đại biểu phải sâu sát thực tế thông qua hoạt động giám sát, mà nói như Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là: "Muốn các phiên chất vấn chất lượng hơn chỉ có một cách... lội dưới cơ sở!". Vậy các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã "lội dưới cơ sở" như thế nào?
Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho hay, 6 tháng đầu năm 2012, Thường trực HĐND đã chủ động cùng các Ban của HĐND TP tổ chức 125 cuộc đi thực tế, giám sát tại các địa phương, đơn vị, ngành liên quan. Trong đó lĩnh vực kinh tế - ngân sách có 55 cuộc giám sát, văn hoá - xã hội có 40 buổi đi thực tế, pháp chế có 30 cuộc giám sát, đi thực tế.
"Các cuộc giám sát tập trung theo dõi, rà soát, giám sát kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP, các nội dung theo kết luận của Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP tại kỳ họp trước; những vấn đề bức xúc nổi cộm phát sinh qua kiến nghị, phản ảnh của cử tri và các thông tin được đăng tải trên báo, đài; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tình hình giải quyết các kiến nghị cũng những vấn đề bức xúc của cử tri TP!" - ông Huỳnh Nghĩa cho hay.
Tính ra, trung bình mỗi tháng HĐND TP Đà Nẵng tổ chức 20,8 cuộc giám sát, đi thực tế trong 22 ngày làm việc (trừ 8 ngày thứ 7 và Chủ nhật). Nói cách khác, bình quân mỗi ngày HĐND TP này có gần 01 cuộc giám sát hoặc đi thực tế tại các địa phương, đơn vị. Đây là con số không hề nhỏ trong bối cảnh đa phần đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm.
"Làm sao các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng có thể thực hiện nhiều cuộc giám sát, đi thực tế như vậy trong khi họ còn phải lo bao nhiêu vấn đề của chính địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của mình?". Đại biểu Lê Thị Nam Phương trả lời: "Đó thực sự là vấn đề đối với các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng. Nhưng do họ đã tự nguyện trở thành đại biểu dân cử nên họ cũng phải tự biết cách sắp xếp công việc của mình một cách hợp lý!".
Và lắng nghe phản ảnh từ cơ sở
"Chính quyền làm tốt, dân khen; làm chưa tốt, dân phê bình, góp ý xây dựng. Dân góp ý là dân tin vào chính quyền. Khi dân im lặng quay lưng thì chính quyền đang "có vấn đề"!" - Đây không phải là phát biểu của vị lãnh đạo cao cấp nào đó ở TƯ hay TP mà chỉ là của Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Hoà Thọ Đông (Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Hoa. Từ đây có thể đối chiếu vào trường hợp cụ thể của HĐND TP Đà Nẵng.
Trong 6 tháng qua nơi này đã tiếp nhận 1.392 đơn thư của công dân (trung bình mỗi ngày có hơn 7,7 đơn thư). Trong đó có 1.210 đơn thư gửi trực tiếp Chủ tịch HĐND TP và 182 đơn thư gửi Thường trực HĐND TP. Rõ ràng, người dân đang gặp phải nhiều vấn đề nên mới gửi nhiều đơn thư như thế. Song cũng rất rõ ràng là người dân tin vào HĐND TP Đà Nẵng nên mới gửi nhiều đơn thư đến cơ quan này như vậy. Và đây cũng chính là một kênh thông tin để các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng tiếp cận gần hơn nữa với cơ sở.
"Hầu hết đơn thư gửi trực tiếp Chủ tịch HĐND TP đã được Chủ tịch bút phê chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý, trả lời cho công dân. Đối với đơn thư gửi Thương trực HĐND TP thì phần lớn có nội dung phản ảnh, kiến nghị, thỉnh cầu (chiếm 83%); khiếu nại (9,3%), tố cáo (6,6%). Hầu hết các đơn thư này cũng đã được Thường trực HĐND TP xem xét, xử lý theo đúng quy định" - ông Huỳnh Nghĩa nói.
Ông cho biết thêm, Thường trực HĐND TP còn thường xuyên tổ chức tiếp công dân, ban hành một số văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm một số trường hợp khiếu nại kéo dài. Đồng thời tập trung giám sát có kết quả một số vụ phức tạp, điển hình như vụ bà Trần Thị Nhị Hà, ông Phạm Minh Thông, bà Nguyễn Thị Tuyết, bà Võ Thị Thu Thuỷ, ông Huỳnh Công Tuấn, ông Nguyễn Nho Thuyết, bà Nguyễn Thị Thịnh, Nguyễn Thị Nga, ông Tăng Xuân Mạnh, bà Lê Thị Thừa...
Từ đường dây nóng HĐND, phát hiện thịt thối
Như Infonet đã đưa tin, đầu tháng 4/2012, từ nguồn tin do người dân báo cho đường dây nóng của HĐND TP Đà Nẵng, Phòng Xử lý nhanh thông tin đường dây nóng này phối hợp với Chi cục Thú y Đà Nẵng và UBND phường An Khê đã kiểm tra hộ bà Nguyễn Thị Trà My (tổ 20 phường An Khê, quận Thanh Khê).
Qua đó đã phát hiện, tịch thu 150kg thịt và xương heo không rõ nguồn gốc, được cắt từng mảnh còn nguyên lông và đã bốc mùi hô thối. Toàn bộ số sản phẩm động vật này đã được Chi cục Thú y Đà Nẵng tiêu huỷ tại khu vực tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực tiêu hủy theo đúng quy định.
Trên đây là một ví dụ về hiệu quả hoạt động của Phòng Xử lý nhanh thông tin đường dây nóng (0511.3888.888) được Thường trực HĐND TP Đà Nẵng thành lập tháng 3/2012, do Chủ tịch HĐND TP trực tiếp chỉ đạo, trực 24/24 để tiếp nhận thông tin "nóng" thuộc các lĩnh vực trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý nhanh, kịp thời, dứt điểm các bức xúc của người dân.
Sau 3 tháng hoạt động, Phòng Xử lý nhanh đã tiếp nhân 692 thông tin qua đường dây nóng và qua báo, đài. Phòng này đã trực tiếp hoặc phối hợp với công an, chính quyền địa phương xác minh thực tế. Qua đó kiến nghị, đề xuất xử lý kịp thời các vụ việc; chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phát hành chính với số tiền hơn 164 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/4/2012, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Đà Nẵng cũng đã đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử (dbnd@danang.gov.vn) để tạo thuận lợi cho việc kết nối thông tin giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND TP, các Ban HĐND với đại biểu, với cử tri.
"Có thể nói đây thực sự là những kênh thông tin quan trọng của Thường trực HĐND TP và các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, đồng thời là địa chỉ tin cậy không chỉ của cử tri mà còn của du khách, người địa phương khác khi đến Đà Nẵng!" - Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.
HẢI CHÂU